Phó TT Harris đi châu Á: Cựu Phó Đại sứ Mỹ nói VN rất quan trọng, Biển Đông khác Afghanistan

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris lên phi cơ Không lực 2 để công cán nước ngoài (ảnh tư liệu, tháng 6/2021).

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến sẽ thăm Việt Nam từ 24-26/8 sau khi thăm Singapore bắt đầu từ ngày 22/8. Chuyến thăm của bà diễn ra chỉ ít ngày sau khi chính quyền từng được Mỹ chống lưng ở Afghanistan đã sụp đổ sau các đợt tấn công của Taliban, làm dấy lên nhiều câu hỏi về vai trò và độ tin cậy của Mỹ.

Tuy nhiên, theo bà Susan Sutton, cựu Phó Đại sứ Mỹ ở Việt Nam từ 2015-2017, khi quan sát chính sách đối ngoại của Mỹ, cần có cái nhìn dài hạn. Bà cựu phó đại sứ nói với VOA rằng chính sách này đặt trọng tâm vào tương lai ở châu Á, nơi Việt Nam là thành tố rất quan trọng. Cựu Phó Đại sứ Mỹ Susan Sutton cũng khẳng định Biển Đông khác với Afghanistan.

Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn.

Việt Nam quan trọng ở châu Á

VOA: Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ nói chuyến thăm của bà tới Singapore và Việt Nam là bước phát triển tiếp từ chính sách “Nước Mỹ trở lại”. Việt Nam có tầm quan trọng ra sao trong chính sách này?

Bà Susan Sutton: Thật tuyệt vời là Phó Tổng thống Mỹ đi thăm Singapore và Việt Nam vì đó là hai đối tác quan trọng. Chúng ta đã thấy những diễn biến từ thời chính quyền trước, và từ việc Mỹ tái cân bằng sang châu Á, với nhận thức về tầm quan trọng ra sao của châu Á đối với Mỹ trong việc xây dựng chính sách đối ngoại giúp cho Mỹ an toàn hơn, thịnh vượng hơn, và hy vọng là cũng giúp các nước châu Á an toàn hơn và thịnh vượng hơn.

Trong một thời gian dài, Mỹ tập trung vào chống khủng bố, tập trung vào Trung Đông, vùng Vịnh. Đó là giai đoạn căng thẳng đối với Mỹ, đối với thế giới cho đến khi chúng ta thấy một số kết quả và hậu quả của chính sách đó.

Nhưng chúng ta cần nhìn về dài hạn. Những điều đúng đắn khi Mỹ tuyên bố chính sách tái cân bằng thì bây giờ vẫn đúng. Châu Á thực sự chính là tương lai và Mỹ cần can dự với các nước giúp cho chúng tôi xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Việt Nam, khi mà tôi nói chuyện với người Việt, họ thường nói Việt Nam là nước nhỏ. Nhưng hiển nhiên Việt Nam không hề là một nước nhỏ. Việt Nam có hơn 90 triệu dân, Việt Nam lớn hơn cả nước Đức. Và liên tục trong những năm gần đây, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế vào hàng nhanh nhất thế giới. Tất nhiên, đại dịch COVID làm xáo trộn các con số thống kê, nhưng những yếu tố căn bản của sự phát triển của Việt Nam vẫn tiếp tục tồn tại. Đó là lực lượng lao động năng động và một đất nước có định hướng xây dựng sự thịnh vượng.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng phát triển quan hệ với Việt Nam là việc thật sự quan trọng để chúng ta có cơ chế tốt để giải quyết các bất đồng và tiếp tục mở rộng các lĩnh vực hợp tác.

Chúng ta đôi khi quên mất rằng quan hệ Việt-Mỹ khá là mới mẻ. Trong quãng đời của chúng ta, chúng ta thường coi việc có mối quan hệ song phương đó là điều hiển nhiên. Nhưng thực ra chúng ta vẫn đang liên tục khai mở những lĩnh vực mới trong mối quan hệ: các hợp tác mới, Mỹ đầu tư thêm vào Việt Nam, thương mại gia tăng, tìm kiếm thêm các lĩnh vực có chung lợi ích.

Không phải nước nào cũng có mối quan hệ như thế. Nhiều nước có mối quan hệ đã phát triển hết cỡ, mọi việc tiếp tục như đã có trong quá khứ. Nhưng với Việt Nam, chúng tôi liên tục tìm kiếm các cơ hội mới.

Vì vậy, chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris rất quan trọng, và đồng thời, điều cốt yếu là chúng tôi tiếp tục nhìn nhận rằng Việt Nam là một thành tố quan trọng trong quá trình chúng tôi phát triển quan hệ với khu vực.

VOA: Văn phòng của bà Harris cũng nói rằng chuyến thăm của bà nhằm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các mối quan hệ toàn diện và đối tác chiến lược. Vậy liệu có khả năng nữ phó tổng thống Mỹ và lãnh đạo Việt Nam tuyên bố nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược?

Bà Susan Sutton: Tôi hy vọng như vậy. Đó sẽ là một bước tuyệt vời nếu nhìn từ cả hai phía.

Về phía Mỹ, chúng tôi không có hệ thống phân cấp mối quan hệ theo các mức đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện giống như của Việt Nam hay một số nước. Vì vậy, tầm quan trọng của việc này có lẽ không nhiều đối với Mỹ so với ý nghĩa của nó đối với Việt Nam.

Tôi nghĩ Việt Nam lâu nay quan tâm đến vấn đề này và muốn tìm một dịp thích hợp vì đây là việc để công bố gắn với một chuyến thăm cấp cao. Liệu họ quyết định tuyên bố trong chuyến thăm này, hay liệu họ chờ thêm một thời gian và tuyên bố vào chuyến thăm cấp cao tiếp theo không phải là điều quá quan trọng. Về phần mình, tôi chắc chắn muốn cổ vũ cho hai bên thực hiện bước đi đó ngay lúc này.

Như tôi đã nói, trong quan điểm của Mỹ, việc này không có nhiều ý nghĩa lắm. Chúng tôi xem Việt Nam là một đối tác thực sự quan trọng và chúng tôi không cần có thêm một tính từ nữa.

Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, ở Việt Nam, người ta thực sự rất mong muốn gia tăng hợp tác với Mỹ, từ bộ quốc phòng, từ các tỉnh, từ các trường, từ hầu như mọi nơi. Mặc dù vậy, họ luôn có sự thận trọng, không tiến quá nhanh so với chính sách cấp quốc gia. Vì vậy, việc tuyên bố nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược sẽ gửi đi tín hiệu quan trọng đến tất cả các quan chức Việt Nam ở các tỉnh, ở các doanh nghiệp là “Đúng vậy, chính sách của chính phủ ủng hộ việc gia tăng và làm sâu sắc thêm những hợp tác với Mỹ”.

Vì lý do đó, theo tôi, việc Việt Nam tiến tới nâng cấp quan hệ là hoàn toàn vì lợi ích của Việt Nam, và từ đó mở ra những cánh cửa phục vụ lợi ích của cả hai nước.

Phó Đại sứ Mỹ Susan Sutton tham gia khánh thành một trung tâm quản lý thảm họa ở Ninh Thuận, Việt Nam, 1/3/2017.

Chống đại dịch, biến đổi khí hậu

VOA: Chuyến thăm cũng có mục đích tăng cường hợp tác chống đại dịch. Bà trông đợi Phó Tổng thống Harris sẽ thảo luận và có động thái gì về vấn đề này trong thời gian ở Việt Nam?

Bà Susan Sutton: Chúng ta đã thấy có sự gia tăng về trợ giúp của Mỹ cho Việt Nam. Mỹ đã tặng Việt Nam 5 triệu liều vắc-xin, Mỹ ủng hộ COVAX và nỗ lực của chương trình này đưa vắc-xin đến Việt Nam và khu vực, ngoài ra còn có những trợ giúp khác như tặng các tủ âm sâu để bảo quản vắc-xin, trợ giúp về tài chính và kỹ thuật.

Tôi nghĩ những việc này sẽ vẫn tiếp tục dù có chuyến thăm hay không, thẳng thắn là như thế, vì đây là chính sách nhân đạo trợ giúp cho các bạn bè của chúng tôi trong giai đoạn khó khăn này.

Chắc chắn là tôi hy vọng những điều đó sẽ gia tăng. Tôi không biết sẽ có tuyên bố cụ thể gì nhưng chúng ta sẽ thấy là viện trợ sẽ tăng lên.

Tôi cũng muốn chỉ ra rằng chúng tôi đã hợp tác từ lâu với Bộ Y tế Việt Nam, một trong những lĩnh vực thành công nhất trong mối quan hệ, bắt nguồn từ hợp tác về phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và lao. Chúng tôi có nhiều nhân viên và chuyên gia của CDC và USAID ở Hà Nội làm việc với Bộ Y tế, đào tạo nhân sự ngành dịch tễ…

Tôi nghĩ tất cả những điều đó tạo nền móng cho việc Việt Nam thành công trong giai đoạn đầu chống đại dịch, giảm ca nhiễm ở Việt Nam.

Như vậy, chúng ta có thời gian dài hợp tác về y tế và tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ thấy Mỹ tăng viện trợ chống COVID, đặc biệt là lúc này đáng tiếc là Việt Nam không thể chặn sự lây lan một cách hiệu quả như trước khi có biến chủng delta.

VOA: Việt Nam là một đối tác của Mỹ về chống biến đổi khí hậu. Vấn đề này sẽ được quan tâm thế nào trong chuyến thăm của bà Harris?

Bà Susan Sutton: Chúng tôi có các chương trình dài hạn trợ giúp việc khắc phục biến đổi khí hậu. Tôi tiên liệu là trong thời của chính quyền này, các chương trình đó sẽ tiếp tục và hy vọng là sẽ tăng cường.

Nó là vấn đề rất khó khăn. Việt Nam là nước dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Với bờ biển dài ven Thái Bình Dương, Việt Nam dễ chịu tác động của các cơn bão, và dĩ nhiên là còn có vấn đề ở Đồng bằng Sông Cửu long.

Tôi chắc chắn là chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các quan chức địa phương về các chương trình khắc phục hậu quả, ví dụ như khắc phục tình trạng xâm nhập mặn ở vùng sông Cửu long làm ảnh hưởng đến nông dân và các cánh đồng lúa. Chúng tôi làm việc, cung cấp trợ giúp kỹ thuật để xác định các giống lúa chịu mặn tốt hơn hay các giống cây khác không bị ảnh hưởng bằng, hay các cách thức để ứng phó với tình trạng nước đổ về ít hơn.

Rất nhiều những việc đó mang tính kỹ thuật, không được báo chí nói đến nhiều nhưng đó là những việc diễn ra đều đặn, cố gắng khắc phục tình hình.

Đồng thời, tất cả chúng ta đều cần làm việc cùng nhau để xem xét nguyên nhân tổng thể và tìm cách chặn sự tăng tốc của tình trạng biến đổi khí hậu.

Về mặt này, chúng tôi cổ vũ Việt Nam tiếp tục chuyển đổi sang năng lượng xanh hơn, giảm sử dụng than đá và dựa vào các nguồn năng lượng khác để không tiếp tay thêm vào vấn đề đã có.

Bà Susan Sutton khi còn là Phó Đại sứ Mỹ ở Hà Nội (ảnh của Đại sứ quán Mỹ, 2017)

Biển Đông khác Afghanistan

VOA: Thế giới vừa chứng kiến Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và chính quyền nước này sụp đổ, Taliban tiến vào Kabul. Điều này ảnh hưởng thế nào đến cách Việt Nam nhìn vào sự can dự của Mỹ ở Biển Đông? Phó Tổng thống Harris cần làm gì để trấn an Việt Nam và các nước trong khu vực?

Bà Susan Sutton là Phó Đại sứ Mỹ ở Hà Nội từ 2015-2017. Bà từng là Phó Đại sứ ở Sofia, Bulgaria và Vientiane, Lào. Trong các năm 2012-2014, bà là Giám đốc Văn phòng Hàng hải Đông Nam Á thuộc Bộ Ngoại giao ở Washington, chuyên trách Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, Singapore và Timor-Leste. Trước đây, bà từng là cán bộ chuyên trách về Bulgaria và Albania thuộc Vụ Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ Ngoại giao Mỹ.


Bà Susan Sutton: Đây là thời điểm đáng buồn và khó khăn. Chắc chắn là tôi hiểu những câu hỏi mà báo chí và các đối tác của Mỹ nêu ra.

Nhưng nói một cách rất thực tiễn, điều quan trọng là, và tôi nghĩ các quan chức Việt Nam hiểu rất rõ, đó là Mỹ quan tâm đến an ninh và tôn trọng luật lệ ở Biển Đông không phải là vì lòng vị tha, không phải là vì điều đó ảnh hưởng đến các nước khác, mà là vì chúng tôi có lợi ích to lớn trong việc bảo vệ an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông và trên toàn thế giới.

Có thể nói thế này, lập luận về sự can dự vào Afghanistan là lập luận về mối quan ngại của chúng tôi dành cho nhân dân Afghanistan. Nhưng lập luận về hoạt động tích cực của Mỹ ở Biển Đông để bảo vệ an ninh và tự do hàng hải có bản chất là lợi ích an ninh của chúng tôi. Mọi người nên ghi nhận rằng Mỹ sẽ hoạt động tích cực và cam kết dành nguồn lực để bảo vệ lợi ích của chúng tôi.

Thẳng thắn về nhân quyền

VOA: Ở thời điểm hiện nay, khi Mỹ muốn giành lấy sự ủng hộ của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, bà có nghĩ rằng Phó Tổng thống Harris sẽ nói năng “nhẹ nhàng” với Việt Nam về nhân quyền không?

Bà Susan Sutton: Đối thoại của hai nước về nhân quyền trong những năm gần đây rất là chân thành. Tôi sẽ không mô tả đó là “nặng lời” hay “nhẹ nhàng” mà tôi sẽ mô tả là rất chân thành, thật tâm, và tôi kỳ vọng là điều này sẽ tiếp tục.

Chúng tôi vẫn thường nói rõ với các đối tác cấp chính phủ bên phía Việt Nam rằng vấn đề nhân quyền không phải là chuyện Mỹ cố gắng sai bảo Việt Nam làm điều gì.

Việt Nam là thành viên Liên Hiệp Quốc, tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế, trong đó có Công ước về Các Quyền Chính trị và Dân sự và gần đây phê chuẩn Công ước ILO về Thỏa ước Lao động Tập thể. Đây là những cam kết quốc tế, và tất cả chúng ta đều giám sát nhau về trách nhiệm giải trình đối với các cam kết đó.

Các nước khác chỉ trích Mỹ suốt ngày, và nếu họ tin rằng Mỹ không làm đúng các cam kết quốc tế, họ hoàn toàn có quyền chỉ trích.

Vì vậy, đó là cuộc đối thoại về việc tất cả chúng ta làm đúng các cam kết quốc tế mà chúng ta tham gia. Mỹ có các cuộc đối thoại đó với nhiều nước, và chúng tôi cần tiếp tục đối thoại với Việt Nam một cách chân thành và công bằng.

Chúng tôi công nhận Việt Nam có những bước tiến quan trọng trong những năm gần đây và chúng tôi hoan nghênh. Nhưng có nhiều lĩnh vực, nhân quyền của người dân chưa được bảo vệ đúng mức.

Tôi có thể nói rằng việc đạt được tiến bộ ở Việt Nam sẽ có lúc tiến lúc dừng, đôi khi thụt lùi. Điều này cũng xảy ra ở nhiều nước khác. Chúng ta phải công nhận điều này và nhìn xa ra, sau 10 năm, 20 năm, tôi nghĩ chúng ta phải nói rằng có những tiến bộ sau một thời gian dài.

Tôi tin chắc rằng Phó Tổng thống Harris sẽ nêu lên vấn đề nhân quyền với cùng tinh thần mà chúng tôi, những nhà ngoại giao, đã áp dụng để nêu ra vấn đề này: Chúng ta là bạn bè, chúng ta có sự bất đồng đáng kể về những việc đang diễn ra và chúng ta cần nói về điều đó. Bởi vì, bạn có thể thấy đấy, nhân dân Mỹ ở muốn có dân chủ, và rốt cuộc chính sách đối ngoại của Mỹ được quyết định bởi ý chí của người dân Mỹ. Người dân Mỹ thật sự muốn chúng tôi có tình hữu nghị thân thiết nhất, sự hợp tác chặt chẽ nhất với những nước không xâm hại các quyền của công dân ở các nước đó.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nói về quyền bỏ phiếu ở Đại học Howard hôm 8/7/2021.

VOA: Về mặt quan hệ công chúng, là nữ phó tổng thống Mỹ, bà Harris sẽ truyền cảm hứng nhiều cho nữ giới ở Việt Nam. Liệu bà Harris sẽ có những hoạt động gì, phát biểu gì để thúc đẩy nữ quyền nói riêng, nhân quyền nói chung?

Bà Susan Sutton: Tôi nghĩ rằng chúng ta đều phấn khởi khi thấy một phụ nữ giữ cương vị phó tổng thống. Tôi nghĩ rằng nhiều người dân Mỹ cho rằng việc vượt qua cái rào cản vô hình đó diễn ra hơi muộn.

Cùng lúc, tôi nghĩ rằng cũng cần phải lưu ý đến điều quan trọng là bà Harris nắm giữ cương vị đó là vì bà có phẩm chất đặc biệt và nhiều công lao to lớn. Như vậy, đấy không phải là chuyện một quan chức nào đó trong đảng quyết định là đến lúc phải có một phụ nữ cho đủ lệ bộ. Bà Kamala Harris không phải là một phụ nữ để cho đủ lệ bộ.

Vì vậy, tôi hy vọng bà sẽ phát đi thông điệp rằng bạn cần làm việc, học tập, thể hiện khả năng lãnh đạo, và những phụ nữ làm như thế cần phải có cơ hội bình đẳng như đàn ông để thăng tiến, được tôn trọng, và nắm chức vụ cao.

Nhìn chung, về mặt nữ quyền, Việt Nam đã làm nhiều điều tốt, có thể thấy nhiều phụ nữ nắm các chức vụ, mặc dù là giống như Mỹ, cũng có rào cản vô hình, chẳng hạn như phụ nữ được lên đến một cấp nào đó nhưng không tiến thêm được nữa.

Tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ cổ vũ cho Việt Nam, xã hội và cơ cấu của đất nước này nhìn nhận rằng chúng ta có thể trao cho phụ nữ vai trò to lớn nhất và họ sẽ tỏa sáng.

VOA: Xin cảm ơn bà!