Trung Quốc vận động các nước (ngoại trừ các nước phương Tây) ca ngợi thành tích nhân quyền của Bắc Kinh trước cuộc họp quan trọng của Liên hiệp quốc, nơi Bắc Kinh sẽ đối mặt với những chất vấn và chỉ trích về hành động của họ ở Hong Kong và Tân Cương, theo các nhà ngoại giao và các văn bản tài liệu.
Bốn nhà ngoại giao nói với Reuters rằng phái đoàn Trung Quốc tại Liên hiệp quốc ở Geneva đã gửi bản ghi nhớ cho các đại sứ trong quá trình chuẩn bị cho cuộc kiểm định hồ sơ nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đối với Bắc Kinh dự kiến diễn ra ngày 23/1.
Phái đoàn Trung Quốc đã không đáp yêu cầu bình luận về chuyện vận động hành lang này. Trong một tuyên bố, họ cho biết Bắc Kinh “kiên quyết phản đối việc chính trị hóa nhân quyền” và “thúc đẩy quản trị nhân quyền toàn cầu công bằng hơn, công chính hơn, bình đẳng và toàn diện hơn”.
Cuộc kiểm điểm nhân quyền ngày 23/1sẽ là lần đầu tiên kể từ khi quan chức nhân quyền hàng đầu của Liên hiệp quốc công bố một báo cáo vào năm 2022 nói rằng việc giam giữ người Uyghur và những người Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc có thể cấu thành tội ác chống nhân loại. Trung Quốc phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Cuối năm đó, các thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, bao gồm Indonesia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã bỏ phiếu bác bỏ một kiến nghị được Hoa Kỳ và các thành viên phương Tây ủng hộ nhằm kêu gọi tranh luận về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Vào đầu tháng 1 năm nay, một công hàm ngoại giao do phái đoàn ngoại giao Trung Quốc gửi tới các nước mà Reuters xem được có nội dung: “Tôi tha thiết yêu cầu quí phái đoàn cung cấp sự hỗ trợ có giá trị cho Trung Quốc và đưa ra các khuyến nghị mang tính xây dựng trong cuộc đối thoại tương tác…xét đến mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước chúng ta.”
Các văn bản khác được gửi tới ba quốc gia không thuộc phương Tây mà Reuters đã xem bao gồm các phát biểu cụ thể cần nêu ra, trong đó có các bình luận ca ngợi thành tích của Trung Quốc về quyền của phụ nữ và người khuyết tật.
Một nhà ngoại giao châu Phi giấu tên xác nhận đã nhận được yêu cầu thể hiện sự ủng hộ đối với Trung Quốc tại cuộc họp và cho biết ông sẽ làm theo yêu cầu.
Antigua và Barbuda trong các câu hỏi gửi tới Liên hiệp quốc đã sử dụng cụm từ ưa thích của Chủ tịch Tập Cận Bình - đề cập đến “nền dân chủ nhân dân toàn diện” của Trung Quốc và ca ngợi “các quyền dân chủ đầy đủ, rộng rãi và toàn diện hơn” được hưởng ở Trung Quốc.
Phái đoàn Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận.
‘Kiểm tra mức độ’ nhân quyền
Cuộc duyệt xét ngày 23/1 sẽ là lần kiểm điểm đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 2018.
Phái đoàn Trung Quốc nói với Reuters rằng chính phủ của họ “rất coi trọng chu trình UPR (Kiểm điểm nhân quyền định kỳ toàn cầu) này”, tức việc đánh giá định kỳ của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đối với hồ sơ nhân quyền của các nước.
Bắc Kinh sẽ cử một phái đoàn lớn và hy vọng tiến hành “đối thoại trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.
Các nhà ngoại giao cho biết các quốc gia khác đôi khi cố gắng gây ảnh hưởng đến tuyên bố của người khác tại Hội đồng nhưng quy mô vận động hành lang của Trung Quốc là rất đặc biệt.
Ông Raphael Viana David từ Cơ quan Nhân quyền Quốc tế nói: “UPR là một cuộc kiểm tra rất quan trọng và là cơ hội để các quốc gia báo hiệu mối quan ngại dựa trên tài liệu của Liên hiệp quốc”. “Đây không phải là nỗ lực chung để khen ngợi nhau và nắm tay nhau.”
Một số lượng lớn các quốc gia thường là 163 quốc gia đã gửi yêu cầu phát biểu tại phiên họp.
Hoa Kỳ, nước đã gửi hai trang câu hỏi, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt cái mà họ gọi là vi phạm nhân quyền, bao gồm giam giữ bất công, cưỡng bức lao động và trả thù trên khắp đất nước cũng như ở Tây Tạng, Hong Kong và Tân Cương, các tài liệu của Liên hiệp quốc cho thấy.
Đức chất vấn có bao nhiêu người trong trại giam Tân Cương.
Trung Quốc thường xuyên bác bỏ những lời chỉ trích của nước ngoài về thành tích nhân quyền, nói rằng tất cả người Trung Quốc đều được đối xử bình đẳng theo luật pháp và nước ngoài không nên can thiệp.
Mặc dù Hội đồng Liên hiệp quốc không có quyền lực ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng các cuộc tranh luận của hội đồng này có sức nặng chính trị và những lời chỉ trích có thể gây áp lực lên các chính phủ trong việc thay đổi hướng đi hoặc đưa ra những cập nhật về số phận của các cá nhân.
Một cuộc biểu tình được lên kế hoạch vào ngày 23/1 bên ngoài tòa nhà Liên hiệp quốc, với sự tham gia của các nhà hoạt động Tây Tạng, Uyghur và Hong Kong cũng như các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc.
Liên hiệp quốc sẽ công bố danh sách các khuyến nghị vào cuối tuần và một phúc trình sẽ được thông qua vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay.