Cộng đồng người gốc Việt ở Quận Cam, California, dù đông đảo nhưng khó lòng có đại diện được bầu vào Quốc hội liên bang là do ‘bị chia ra thành nhiều địa hạt khác nhau’, ‘bị phe Dân chủ áp đảo’ và có thể là ‘do chia rẽ, đấu đá lẫn nhau’, theo tìm hiểu của VOA.
Trong cuộc bầu cử ngày 3/11 vừa qua, có một số người gốc Việt đắc cử ở cấp tiểu bang, quận hạt và thành phố đại diện cho các địa hạt bầu cử thuộc Quận Cam, bang California, nơi tập trung đông đảo người Việt nhất tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, không có người gốc Việt nào ở nơi được mệnh danh là thủ đô tinh thần của người Việt tại hải ngoại vào được Thượng viện và Hạ viện liên bang trong cuộc bầu cử năm nay, cũng như từ trước đến giờ.
Trong cuộc bầu cử này, chỉ có một người gốc Việt duy nhất trên toàn nước Mỹ trúng cử vào Hạ viện liên bang là bà Stephanie Murphy của Đảng Dân chủ. Bà Murphy, tên tiếng Việt là Đặng Thị Ngọc Dung, tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba tại địa hạt số 7, tiểu bang Florida. Bà là vị dân biểu liên bang gốc Việt thứ hai trong lịch sử sau ông Joseph Cao Quang Ánh của Đảng Cộng hòa đại diện tiểu bang Louisiana.
Còn ở cấp tiểu bang, năm nay có bà Trâm Nguyễn, Đảng Dân chủ, đắc cử vào Hạ viện bang Massachusetts, bà Janet Nguyễn, Đảng Cộng hòa, đắc cử dân biểu tiểu bang California và ông Hubert Võ tái đắc cử tại Hạ viện bang Texas. Bà Janet Nguyễn trước đó là Thượng nghị sỹ tiểu bang.
'Hai phe phá lẫn nhau'
Trao đổi với VOA, nhà báo Đỗ Dzũng, Chủ Bút nhật báo Người Việt ở California, tờ nhật báo lâu đời nhất của người Việt Nam ở Mỹ, lưu ý rằng chiến thắng của bà Stephanie Murphy ‘là nhờ vào cử tri Mỹ vì địa hạt của bà không có nhiều cử tri gốc Việt và tên của bà cũng là tên Mỹ chứ không phải tên Việt Nam’.
Riêng trường hợp ông Joseph Cao, ông thắng cuộc trong cuộc bầu cử đặc biệt khi có ghế dân biểu trống đột ngột mà phía Đảng Dân chủ không kịp đưa ra ứng viên tranh cử. Nhưng chỉ sau một nhiệm kỳ, ông Cao đã thất cử ở địa hạt có truyền thống theo Dân chủ.
Bản thân cộng đồng người Việt ở Quận Cam vốn chia rẽ nên không bao giờ có thể dồn phiếu cho một ứng viên gốc Việt đại diện cho họ, theo nhận xét của nhà báo Đỗ Dzũng.
Mặc dù đa số người gốc Việt ở Quận Cam theo Đảng Cộng hòa, nhưng trong phe Cộng hòa gốc Việt này lại chia thành hai phe.
Ông Dzũng cho biết sự chia rẽ này bất đầu từ năm 2007 khi có cuộc bầu cử đặc biệt bầu giám sát viên địa hạt số 1. Trước đó, người gốc Việt theo Đảng Cộng hòa ở Quận Cam quy tụ xung quanh ông Trần Thái Văn, dân biểu tiểu bang. Đến kỳ bầu cử đó, phe Cộng hòa gốc Việt ở California lại chia rẽ ra thành hai ứng cử viên ra ứng cử cho chức vụ này.
“Kể từ đó phe Cộng hòa gốc Việt bị chia ra làm hai và đến giờ vẫn còn chia rẽ,” ông Đỗ Dzũng nói. “Họ chỉ trích nhau công khai, trong cộng đồng ở đây ai cũng biết hết.”
Vì sự chia ra đó mà nhiều khi ứng cử viên gốc Việt chỉ cần thêm một, hai ngàn phiếu nữa để đánh bại ứng viên sắc dân khác ‘mà cũng không có nổi’, ông Đỗ Dũng nói.
“Người gốc Việt chỉ lên được cấp tiểu bang là hết rồi, lên đến cấp liên bang là rất khó bởi vì nếu phe kia ra ứng cử thì phe này sẽ phá và ngược lại,” ông nhận xét.
Theo lời nhà báo này thì trước giờ có bốn người gốc Việt ở Quận Cam ra ứng cử vào Hạ viện liên bang nhưng đều thất bại. “Người có thể đạt nhiều phiếu nhất là ông Trần Thái Văn vào năm 2010 nhưng vẫn thua bà Loretta Sanchez, còn những người khác đều thua từ vòng đầu,” ông cho biết.
‘Dân chủ áp đảo’
Ông Tyler Diệp, đảng Cộng Hòa, dân biểu tiểu bang California sắp mãn nhiệm và vừa tái đắc cử ủy viên Đặc khu Vệ sinh Midway City, phân tích nguyên nhân nhìn từ góc độ đảng phái. Theo ông, các ứng viên gốc Việt đa số theo Đảng Cộng hòa nhưng các địa hạt mà họ ra tranh cử là những nơi mà sự ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ áp đảo.
“Sự chênh lệch đảng phái giữa các cử tri trong những địa hạt đó rất nặng về Dân chủ nên các ứng cử viên người Mỹ gốc Việt của Đảng Cộng hòa như cá nhân tôi hay giám sát viên Andrew Đỗ cũng khó có cơ hội mà tranh vô những chức vụ ở các địa hạt đó,” ông Tyler Diệp nói với VOA.
Trong khi đó, các ứng cử viên gốc Việt Đảng Dân chủ, theo ông Diệp, lại ‘chưa có đủ kinh nghiệm cần thiết để ra tranh một chức vụ dân cử cao mà chỉ mới thành công ở vị trí nghị viên thành phố’.
Ông Tyler Diệp chỉ ra việc mặc dù các cử tri gốc Việt đa số theo Cộng hòa nhưng họ đã bị ‘chia năm xẻ bảy’ vào ba địa hạt khác nhau nên không tập trung phiếu được.
“Trong 10 năm qua không có một ứng cử viên gốc Việt nào thấy tình hình thuận lợi để ra tranh cử chức vụ liên bang,” ông Diệp cho biết.
Tương tự, nhà báo Đỗ Dzũng nói nếu như tất cả người gốc Việt dồn vào một địa hạt bầu cử thì ‘gần như chắc chắn người Việt sẽ có một dân biểu liên bang’. Trong từng địa hạt, tổng lá phiếu của người Việt không đủ để dồn cho một ứng viên nào đó đắc cử.
Tuy nhiên, khác với ông Dzũng, ông Diệp cho rằng nếu như cộng đồng Việt Nam có riêng được một địa hạt bầu cử dân biểu liên bang thì họ sẽ không chia rẽ mà chung tay ‘chọn một ứng viên có chung lý lịch, văn hóa và căn cước tị nạn với họ’.
“Có thể trong những cuộc tranh cử, đụng độ ở cấp địa phương, cấp tiểu bang có sự mâu thuẫn giữa người này người kia, giữa phe này phe kia nhưng những cử tri người Mỹ gốc Việt bình thường tôi không nghĩ họ bị chia rẽ như vậy,” ông nói.
Theo ông Diệp, vốn có nhiều năm ra tranh cử các chức vụ ở tiểu bang và cấp địa phương, thì ‘trừ phi các địa hạt được vẽ lại’, cộng đồng gốc Việt sẽ không có đại diện ở Quốc hội liên bang.
Vẽ lại địa hạt
Ông Diệp cho biết trong năm 2021 khi tiểu bang California thống kê lại dân số 10 năm một lần để phân chia lại địa hạt, cộng đồng Việt Nam sẽ có cơ hội đấu tranh để có một địa hạt dân biểu liên bang cho mình.
Theo lời ông thì nhờ nỗ lực vận động vào năm 2011 tại Ủy ban vẽ địa hạt bầu cử mà cộng đồng gốc Việt ‘đã có được địa hạt dân biểu tiểu bang và địa hạt thượng nghị sỹ tiểu bang vốn bao gồm tất cả các khu vực của Little Saigon’. Nhưng địa hạt ở cấp liên bang thì vẫn người Việt ‘vẫn bị chia năm xẻ bảy’.
“Các vị dân cử gốc Việt ở Quận Cam đều đang lưu ý đến điều này. Chúng tôi đang chờ cơ hội để chứng minh cho các viên chức vẽ lại địa hạt là họ nên tôn trọng các cộng đồng thiểu số và vận động các cử tri gốc Việt tới tham dự các cuộc điều trần,” ông Diệp cho biết.
Ông Dzũng thì cho rằng người Việt không có tiếng nói trong công việc vẽ lại các địa hạt bầu cử nên bị lép vế. Các địa hạt bầu cử được vẽ theo hướng không có lợi cho người gốc Việt.
Ông dẫn chứng chính nhờ việc vẽ lại địa hạt mà lần đầu tiên có một người gốc Việt trúng cử vào ghế nghị viên thành phố Santa Ana. Nghị viên tức là ủy viên hội đồng cấp thành phố, mỗi thành phố tùy quy mô lớn nhỏ mà sẽ có từ 5 đến 7 nghị viên.
Trước đây, Santa Ana, thành phố có 700 ngàn cử tri, bầu nghị viên theo kiểu bầu đại trà toàn thành phố và để đắc cử một nghị viên cần giành được hơn 350 ngàn phiếu. Đây là thành phố với dân gốc Mỹ Latin áp đảo nên các sắc dân khác như Mỹ trắng hay người gốc Việt ‘không có cửa giành được 350 ngàn phiếu để thắng’, ông Dzũng nói.
Nhưng trong năm 2020, Santa Ana đã được chia ra thành 7 địa hạt bầu cử, mỗi địa hạt có 100 ngàn cử tri nên mỗi nghị viên chỉ cần giành trên 50 ngàn phiếu của địa hạt đó là có thể thắng.
Thêm nghị viên gốc Việt
Nhờ vậy mà bà Phan Việt Thái ra ứng cử ở địa hạt số 1 đã giành được ghế nghị viên Santa Ana. Ông Dzũng cho biết đây là lần đầu tiên có một người gốc Việt đắc cử nghị viên Santa Ana.
Ngoài bà Phan Việt Thái, kỳ bầu cử này có thêm một người gốc Việt đắc cử nghị viên nữa là ông Ted Bùi. Ông Ted Bùi trở thành nghị viên gốc Việt thứ hai trong số 5 nghị viên của thành phố Fountain Valley bên cạnh ông Michael Võ.
Hiện tại, ở Quận Cam còn có thành phố Garden Grove có 3 nghị viên gốc Việt, thành phố Westminster có 4 trong tổng số 5 nghị viên là gốc Việt. Đây là các thành phố có đông đảo người Việt.
Cao hơn cấp thành phố là ở cấp quận hạt, kỳ bầu cử này ông Andrew Đỗ tái đắc cử chức giám sát viên Quận Cam. Ở cấp tiểu bang, bà Janet Nguyễn, từng là Thượng nghị sỹ tiểu bang California, nay trở thành người Việt đầu tiên vào được cả Thượng viện lẫn Hạ viện tiểu bang này.
Chiếc ghế bà Janet thắng trước đây do ông Tyler Diệp, cũng thuộc Đảng Cộng hòa, nắm. Nhưng ông Tyler Diệp đã thua trong vòng bầu cử sơ bộ năm nay.
Bà Janet Nguyễn là vị dân biểu tiểu bang California gốc Việt thứ ba sau các ông Trần Thái Văn và Tyler Diệp – tất cả đều thuộc Đảng Cộng hòa.
Vượt ra ngoài cộng đồng Việt Nam?
Nhìn về thắng lợi của bà Stephanie Murphy ở Florida, ông Diệp nói ông hy vọng trong tương lai sẽ có ứng cử viên gốc Việt ở Quận Cam vượt ra ngoài khuôn khổ của cử tri gốc Việt để giành được lá phiếu của các cộng đồng khác cũng như của người Mỹ bản xứ.
Ông cho rằng để tiếp cận được các nhóm cử tri khác, các ứng viên gốc Việt phải ‘biết nói những gì mà họ quan tâm’ thay vì những vấn đề quan trọng đối với các cử tri gốc Việt. Ông chỉ ra trong khi cộng đồng gốc Việt quan tâm đến vấn đề chống Trung Quốc thì cộng đồng gốc Latin lại ‘quan tâm đến kinh tế và các chính sách di dân’.
Lưu ý rằng bà Stephanie Murphy không lấy tên Việt Nam, ông Diệp nhận định rằng cái tên để trên lá phiếu phần nào cũng sẽ là một chỉ dấu để các cử tri quyết định bỏ phiếu cho ai.
Đó là khi các cử tri khi đi bầu mà không biết các ứng viên là ai thì họ sẽ chọn người cùng đảng phái với họ, và kế đến là cái tên đó có gần gũi với họ hay không. “Bất kể cộng đồng Latin, gốc Ý, gốc Thái hay gốc Việt đều như vậy,” ông Diệp nói.