Thị trường chứng khoán châu Á giảm giá mạnh trong hôm thứ Hai sau khi một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới tuyên bố khánh tận, và một ngân hàng khác bị mua lại. Thị trường chứng khoán tại Australia, Đài Loan và Singapore rớt giá từ 3 đến 4% vì nhiều người e ngại cuộc khủng hoảng của thị trường tín dụng có thể lan rộng. Thông Tín Viên Daniel Schearf của VOA tường trình từ Bắc Kinh về vấn đề này như sau.
Sự kiện rớt giá tại các thị trường châu Á là phản ứng của các nhà đầu tư khi hay tin công ty Lehman Brothers của Mỹ tuyên bố phá sản hôm thứ Hai.
Ngân hàng đầu tư này thua lỗ nặng do cuộc khủng hoảng tín dụng, họ đã điều đình với một ngân hàng khác, là Barclays Bank, để nhắm đến một sự thu xếp nào đó, nhưng cuối cùng, cuộc điều đình này thất bại.
Cùng lúc đó, một ngân hàng cạnh tranh với Lehman Brothers là Merrill Lynch đã được ngân hàng Bank of America mua lại. Cả Lehman Brothers lẫn Merrill Lynch đều có rất nhiều hoạt động giao dịch tại châu Á.
Ông Callum Henderson là Trưởng ban chính sách Ngoại Hối của ngân hàng Standard Chartered tại Singapore. Ông nói rằng trước tình hình này, các thị trường của châu Á rất dễ gặp ảnh hưởng tiêu cực.
Ông Henderson nói: “Châu Á chiếm một tỷ lệ trao đổi thương mại toàn cầu cao nhất, so với bất kỳ khu vực thị trường mới trỗi dậy nào. Và dĩ nhiên, khi mà kinh tế toàn cầu đi vào giai đoạn chậm lại, thì châu Á bị ảnh hưởng nhiều hơn các khu vực khác.”
Sự chao đảo của 2 ngân hàng đầu tư lớn của Hoa Kỳ làm người ta thêm lo ngại về sự ổn định của các thị trường tài chính. Cuộc khủng hoảng này khởi sự từ cách nay một năm vì các ngân hàng gặp rắc rối vì các khoản tiền cho những người không đủ tiêu chuẩn vay để mua nhà.
Cuộc khủng hoảng lan rộng vì các con nợ không đủ khả năng thanh toán, trong khi các ngân hàng và các quỹ đầu tư bỏ tiền vào rất nhiều các loại chứng khoán xuất phát từ những món nợ mua nhà.
Mặc dù nhiều chuyên viên tài chính nói rằng các ngân hàng châu Á tương đối ít gặp nguy hiểm với các khoản đầu tư rủi ro này, cuộc khủng hoảng dẫn đến hậu quả là nguồn vốn có sẵn để cho vay bị hạn chế, và gây ảnh hưởng xấu cho các công ty quốc tế đang đầu tư trong khu vực.
10 trong số các ngân hàng lớn nhất thế giới đã đồng ý mỗi ngân hàng bỏ ra 7 tỉ đôla để châm thêm tiền vào các thị trường tài chính. Các ngân hàng này hy vọng bình ổn được hiện tượng bấp bênh chưa từng thấy trong vốn liếng toàn cầu, và trên các thị trường tín dụng.
Ngân hàng Trung ương của Hoa Kỳ cũng tạo điều kiện dễ dàng để các ngân hàng đầu tư có thể được vay khẩn cấp.
Ông Henderson nói rằng mặc dù đã có biện pháp đó, các thị trường của châu Á rất có thể vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực.
Ông Henderson nói: "Ít nhất các nhà đầu tư châu Á sẽ tiếp tục xét đến hướng tăng trưởng chậm chạp, lạm phát tương đối vẫn còn cao, và viễn ảnh của thua lỗ thêm đối với các nhà đầu tư. Tất cả những thứ đó là tiêu cực cho các vốn liếng của châu Á, và tiêu cực cho các loại tiền tệ của châu Á."
Ông Henderson nói rằng hiện nay châu Á cần có thêm những chính sách ủng hộ tăng trưởng, ví dụ như cắt giảm lãi suất hoặc giảm bớt những đòi hỏi về vốn dự trữ của các ngân hàng.
Hôm thứ Hai, các thị trường chứng khoán ở Hong Kong, Nhật Bản và Nam Triều Tiên đóng cửa nghỉ lễ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1