Đường dẫn truy cập

Các ngân hàng trung ương hàng đầu trấn an nhà đầu tư


Các ngân hàng trung ương hàng đầu đã vội vàng đổ thêm tiền mặt vào hệ thống tài chính thế giới trong nỗ lực trấn an các thị trường quốc tế đang hoảng hốt. Phần lớn các thị trường chứng khoán Á Châu lại sụt giá hôm nay, vào lúc các nhà đầu tư tiếp tục phản ứng trước cơn xáo động ở Phố Wall, mặc dù tình trạng bán tống bán tháo đã chậm lại vào cuối ngày. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Các ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Liên hiệp Châu Âu và các nước khác đang bơm thêm 180 tỷ đôla vào hệ thống ngân hàng thế giới. Số tiền này nhắm mục đích gia tăng lượng tiền mặt cho các ngân hàng cho vay tiền và những người mượn tiền, đồng thời để xoa dịu cuộc khủng hoảng tín dụng đã làm đảo lộn các thị trường chứng khoán và trái phiếu trong tuần này.

Thông báo hôm qua dường như đã xoa dịu nỗi lo lắng của một số nhà đầu tư. Vào cuối ngày giao dịch ở Châu Á, một số hiện tượng sụt giá mạnh lúc đầu ngày đã được xóa đi.

Chỉ số Hàng Sinh của Hong Kong, vốn đã sụt hơn 7% vào giữa ngày giao dịch, gần như đã không đổi vào cuối ngày. Tuy nhiên, đa số các thị trường Á Châu đều sụt giảm.

Chỉ số Nikkei sụt hơn 2% lúc đóng cửa, đứng ở mức thấp nhất từ 3 năm nay, và giá cổ phiếu cũng sụt giảm ở mức tương tự tại Nam Triều Tiên và Australia. Các nhà đầu tư ở Châu Á e rằng sẽ xảy ra thêm các vấn đề trong kỹ nghệ tài chính của Hoa Kỳ mặc dù chính phủ đã bỏ ra 85 tỷ đôla để cứu nguy cho công ty bảo hiểm AIG.

Các nhà đầu tư cũng lo âu trước sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers và những tin tức rằng sẽ có thêm các ngân hàng khác của Hoa Kỳ sẽ bị rắc rối. Bà Arporn Chewakrengkai là kinh tế gia trưởng tại Quỹ Hưu Bổng của chính phủ Thái Lan. Bà cho rằng nhiều ngân hàng Á Châu có thể thiếu nợ các ngân hàng của Hoa Kỳ đang có vấn đề.

Bà Chewakrengkai nói: “Tôi tin rằng nhiều ngân hàng Á Châu sẽ bị tác động bởi sự sụp đổ của các ngân hàng lớn đó ở Hoa Kỳ. Vì thế tôi nghĩ rằng các thị trường chứng khoán trong vùng vẫn còn tiếp tục xấu hơn.”

Sự sụt giá trong các thị trường chứng khoán toàn cầu đã làm mất giá hơn 19,000 tỷ đôla tính từ khi đạt được cao điểm hồi cuối tháng 10 năm ngoái. Bà Aporn nói rằng điều đó có nghĩa là khu vực sẽ chứng kiến đà tăng trưởng chậm hơn bởi lẽ sẽ có ít tiền hơn cho các cơ sở kinh doanh vay mượn để khuếch trương.

Nguyên do cuộc khủng hoảng là tình trạng suy thoái trầm trọng nhất về nhà đất ở Hoa Kỳ kể từ thập niên 1930, dẫn đến tình trạng thiếu hụt về tín dụng trong khi nhiều ngàn người sở hữu nhà không trả được các khoản tiền cho vay để mua nhà.

Ông Graham Catterwell là một nhà tham vấn kinh doanh và từng là một chuyên gia ngân hàng ở Bangkok. Như nhiều nhà phân tích thị trường khác trên khắp thế giới, ông nói rằng một phần của vấn đề nằm trong các thị trường tài chính được điều hành một cách lỏng lẻo và ngân sách cùng mức thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ. Theo ông, phải nhiều năm mới có thể phục hồi được.

Ông Catterwell nói: “Một số người đang hốt hoảng nhưng đã tình trạng bất quân bình đã bắt đầu tăng lên dần từ vài năm nay rồi – tình trạng đó xảy ra mà mọi người không mấy chú ý và nó đã diễn biến theo những phương hướng mà mọi người không dự kiến được.”

Nhiều kinh tế gia trông đợi sẽ chứng kiến việc tái cấu trúc kỹ nghệ tài chính, với sự kiện nhiều công ty hơn sẽ tìm cách hòa nhập và tiếp quản để khỏi bị khánh tận.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG