Ngân hàng Phát triển Á Châu tiên đoán các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á sẽ trải qua thời kỳ tăng trưởng chậm và lạm phát tăng cao trong năm tới. Ngân hàng này nói rằng giá dầu và giá lương thực tăng cao cộng thêm tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài tại các nước công nghiệp đem lại một viễn ảnh đen tối cho nền kinh tế Á Châu. Từ Hongkong, Thông tín viên Claudia Blume của đài VOA gửi về bài tường trình sau đây.
Ngân hàng Phát triển Á Châu, tức ADB, cho biết các rủi ro đối với kinh tế các nước Châu Á giờ đây cao hơn là tổ chức này đã tiên đoán trong dự kiến hồi tháng Tư. Ông Ifzal Ali, kinh tế gia trưởng của ADB nói rằng một trong những rủi ro to lớn nhất xuất phát từ tình trạng không biết chắc được cuộc khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ sẽ kéo dài trong bao lâu.
Lên tiếng tại Hongkong hôm nay, ông Ali nói rằng tình trạng xáo trộn tại Phố Wall trong 2 ngày vừa qua đã tăng thêm tình trạng không chắc chắn đó.
Ông Ali nói: "Mức độ bất định cao hơn có nghĩa là nhiều biến động hơn và dĩ nhiên điều này sẽ tác động tới niềm tin của cả giới doanh nghiệp lẫn sự tin tưởng của giới tiêu thụ.”
ADB cho biết sự tăng trưởng trong các nước đang phát triển ở Châu Á sẽ chậm lại còn 7,5% trong năm nay và 7,2% trong năm tới - giảm so với mức kỷ lục 9% của năm 2007. Tình trạng lạm phát trong khu vực được tiên đoán là sẽ lên tới 7,8% trong năm nay.
Viễn ảnh vừa kể bị bao trùm bởi tình trạng giá dầu và lương thực gia tăng liên tục. Tổ chức cho vay không lãi này này tiên đoán việc giá dầu hạ giảm vừa qua sẽ không được bao lâu, và rằng giá dầu nói chung sẽ vẫn ở mức trên 100 đôla một thùng cho tới ít nhất là năm 2020.
Và cho dù giá thực phẩm chủ yếu như gạo có giảm xuống mức có thể chịu được trong mấy tháng qua, thì ADB nói rằng vấn đề vẫn còn lâu mới chấm dứt vì nhu cầu gia tăng trong khi tình trạng cung cấp vẫn hạn hẹp.
Tình huống này lại càng tệ hại hơn do sự trì trệ của nền kinh tế Hoa Kỳ và Âu châu, là những nước chính mua hàng hóa của Châu Á. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu từ khu vực này đều không đạt kết quả tốt, cho dù là quần áo, đồ chơi trẻ em hay máy điện toán.
Trong nhiều năm, nhiều nhà đầu tư quốc tế nắm chắc rằng nền kinh tế vững mạnh tại các nước Châu Á có thể giúp họ thoát khỏi tình hình kinh tế yếu kém như tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Theo ông Ali thì sự suy đoán đó đã không mang lại hiệu quả.
Ông Ali nói: “Những gì xảy ra tại New York và London đã lan qua Châu Á trong vòng vài tiếng đồng hồ. Một điểm tôi muốn nói lớn và nói rõ ràng là huyền thoại của việc tách rời đã tan biến trong 8 tháng gần đây.”
Ông Ali cho biết có một số chính sách ngắn hạn mà các chính phủ trong khu vực cần thực thi để vượt qua cơn bão tố. Trong các chính sách này, có việc kiểm soát mức lạm phát và ngưng dần các trợ cấp không kham nổi về nhiên liệu, phân bón và thực phẩm. Theo ông Ali các nước đang phát triển tại Châu Á cần phải hy sinh sự tăng trưởng hiện nay để tránh tình trạng lạm phát thâm căn.