Trong một nỗ lực nhằm đưa ra một kế hoạch toàn diện để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng tại Wall Street, tức thị trường chứng khoán ở New York và cũng là một trung tâm tài chính quốc tế, chính phủ của Tổng Thống Bush hôm thứ Sáu đề nghị việc thành lập một cơ quan chính phủ để xử lý các khoản nợ xấu của các định chế tài chính đặt trụ sở tại Hoa Kỳ. Kế hoạch này có thể làm cho giới đóng thuế Mỹ tốn kém đến hàng trăm tỉ đôla, khi được dùng để mua lại những món nợ cho vay thế chấp khó đòi và các khoản nợ nần khác. Thông tín viên Barry Wood của đài VOA có thêm một số chi tiết sau đây.
Nhận định rằng hệ thống tài chính Mỹ đang đứng trước một thách thức vô tiền khoáng hậu, Tổng Thống Bush tuyên bố chính phủ phải can thiệp vào hoạt động của các thị trường để vãn hồi tình trạng ổn định tài chánh.
Bộ Trưởng Tài Chính Hoa Kỳ, ông Henry Paulson, nói nội trong 2 ngày tới đây, luật khẩn cấp sẽ được đệ lên cho các nhà lập pháp xem xét.
Bộ Trưởng Paulson nói:” Tôi mong sớm được làm việc với Quốc Hội để thông qua luật cho phép loại bỏ các tích sản đang gây ra vấn đề bây giờ ra khỏi hệ thống tài chính của chúng ta. Một khi đã vượt qua được giai đoạn nan giải này rồi, thì nhiệm vụ kế tiếp của chúng ta là cải thiện cơ cấu quy định hoạt động trên các thị trường tài chính để tránh những hành động thiếu thận trọng quá mức đã xảy ra trong quá khứ, không thể tái diễn.”
Bộ Trưởng Paulson và Thống Đốc Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Ben Bernanke đã báo cáo lên giới lãnh đạo Quốc Hội về kế hoạch cứu nguy tài chính trong đêm thứ Năm. Bộ Trưởng Paulson nói ông hy vọng kế hoạch đó sẽ được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua vào tuần tới.
Theo kế hoạch này, một cơ quan chính phủ có nhiệm vụ mua lại những khoản tín dụng xấu sẽ được thành lập. Trong cuộc khủng hoảng năm 1989, một cơ quan tương tự tên là Resolution Trust Corporation đã được thành lập để xử lý số nợ khó đòi liên quan tới các khoản tiền cho vay thế chấp để mua nhà cửa. Cơ quan đó, gọi tắt là RTC, đã khiến giới thọ thuế Mỹ tốn kém vào khoảng 150 tỉ đôla. Ông Paulson nói các nỗ lực nhằm cứu nguy các ngân hàng kỳ này sẽ còn tốn kém hơn thế xa.
Ông Paulson nói: “Chúng ta đang đề cập đến con số lên đến hàng trăm tỉ đôla. Chương trình cứu nguy này cần phải đủ quy mô để có thể tạo ra sự khác biệt thực sự, và đánh vào tâm điểm của vấn đề.”
Lên tiếng lần thứ 3 về cuộc khủng hoảng tài chính nội trong tuần này, Tổng Thống Bush nói mặc dù các ngân khoản rất lớn tiền đóng thuế của dân sẽ được đặt trong tình trạng rủi ro cao, tuy nhiên ông dự kiến số tiền này dần dà sẽ được bồi hoàn. Nhà lãnh đạo Mỹ giải thích rằng nếu chính phủ không can thiệp lần này, thì có nguy cơ lĩnh vực tài chính sẽ ngưng hoạt động.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1