Đường dẫn truy cập

Giá chứng khoán trên thị trường châu Á tiếp tục giảm


Thị trường chứng khoán trên khắp châu Á rớt giá mạnh giống như tình trạng của các thị trường tại Mỹ và châu Âu do ảnh hưởng của vụ phá sản công ty đầu tư Lehman Brothers. Thị trường Tokyo, Hán Thành và Hồng Kông - vốn đóng cửa nghỉ lễ hôm thứ hai - đã dẫn đầu lượng chứng khoán bán ra trong ngày giao dịch hôm thứ ba. Từ Bangkok thông tín viên Kate Pound Dawson của Đài VOA có bài tường trình sau đây.

Lãnh đạo các ngân hàng trung ương và các nước châu Á vội vã trấn an công chúng rằng nền kinh tế của họ vẫn ổn định và lượng tiền mặt vẫn dồi dào để bảo đảm cho guồng máy tài chánh vận hành suôn sẻ. Bất chấp những nỗ lực trấn an đó, các nhà đầu tư tiếp tục bán chứng khoán ra.

Các công ty tài chánh tại châu Á đang xem xét kỹ lại bảng cân đối tài sản để xem có khoản đầu tư nào dính trong ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ hay không. Lehman Borthers đã nộp hồ sơ khai phá sản hôm thứ hai vừa qua. Hiện nay dư luận trên thị trường đang lo sợ sẽ tiếp tục xảy ra những vụ thua lỗ lớn tại các công ty tài chánh quốc tế như tập đoàn bảo hiểm khổng lồ AIG.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vừa bơm 24 tỉ đôla vào hệ thống ngân hàng nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty tài chánh có nhu cầu vay tiền mặt.

Ông Jake van der Kamp, một nhà phân tích thị trường độc lập tại Hồng Kông, nói rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là nghiêm trọng nhất so trong vòng nhiều thập niên qua, và tình hình này có thể còn kéo dài.

Ông van der Kamp nói: “ Thị trường tài chánh toàn cầu chưa bao giờ chứng kiến tình trạng này trong một thời gian rất dài vừa qua, do đó khó có được những số liệu sát với thực tế. Tôi dự đoán phải mất mấy tháng nữa tình trạng thị trường tụt dốc mới dừng lại để chuyển sang giai đoạn hồi phục.”

Cuộc khủng hoảng đã bắt đầu cách đây gần 18 tháng tại Mỹ khi nhiều người vay tiền mua nhà theo dạng “vốn vay thế chấp rủi ro cao” đã gặp khó khăn hoặc mất khả năng trả nợ. Hàng tỉ đôla vốn vay thế chấp theo hình thức này được chuyển thành các loại chứng khoán phức tạp để bán lại cho các ngân hàng trên thế giới, các công ty bảo hiểm, và các quỹ đầu tư. Khi các loại chứng khoán bắt đầu giảm giá, người đầu tư trên khắp thế giới đổ xô bán chứng khoán của họ ra để rút tiền đầu tư ra khỏi các thị trường chứng khoán.

Ông Van der Kamp nói rằng châu Á có được một số lợi thế so với các thị trường khác trên thế giới, thị trường tài chánh châu Á thường hồi phục nhanh hơn so với các thị trường đã được hình thành lâu đời và chặt chẽ hơn tại châu Âu và Mỹ.

Một lợi thế nữa là tổng khối lượng đầu tư của châu Á dính líu trong cuộc khủng hoảng vốn vay thế chấp rủi ro cao, so ra tương đối ít hơn và được bảo đảm tốt hơn.

Ông Van der Kamp giải thích: “Bởi vì các khoản đầu tư của châu Á vào thị trường vốn vay thế chấp rủi ro cao thường do các ngân hàng trung ương nắm giữ. Hẳn nhiên các định chế tài chánh này có nguồn dự trữ rất lớn, rõ ràng nhất là ngân hàng của Trung Quốc và Nhật Bản, và các nước khác - tương ứng với kích cỡ của nền kinh tế của họ – họ có một lượng dữ trữ dồi dào bằng Mỹ kim. Do đó có lẽ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ không gây ra những nguy hiểm trực tiếp nhiều lắm đối với các nước châu Á.”

Tuy nhiên các nhà đầu tư trong khu vực hôm thứ ba cộng sổ những thiệt hại do những biến động từ thị trường Mỹ gây ra.

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm gần 5%, xuống đến mức thấp nhất so trong vòng 3 năm qua. Chỉ số Hàng Sinh của Hồng Kông giảm 5,5%, chỉ số Kospi của Hán Thành giảm hơn 6%. Chỉ số của cả hai thị trường Hồng Kông và Hán Thành đã rớt xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm 2007.

Các thị trường khác cũng dao động trong lúc giá dầu thô giảm hơn 3 đôla, xuống còn hơn 92 đôla một thùng trên thị trường châu Á. Đây là giá thấp nhất tính từ tháng 2 năm nay. Nhiều người lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng trên toàn cầu.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG