Philippines đang tăng cường nỗ lực củng cố hợp tác quốc phòng với một số nền dân chủ có cùng chí hướng trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra với Trung Quốc ở Biển Đông.
Manila đang cố gắng ký kết các hiệp ước quốc phòng lớn với Canada và New Zealand và thăm dò khả năng mở rộng các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ, đối tác quốc phòng chính của mình.
Các nhà phân tích nói diễn tiến này là một phần trong nỗ lực của Manila nhằm chống lại các hoạt động hàng hải hung hăng của Trung Quốc gần một số rạn san hô đang có tranh chấp ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.
“Philippines đang cố gắng tăng cường năng lực của mình để đủ sức răn đe Trung Quốc bằng cách nhấn mạnh nhiều vào Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương với Hoa Kỳ trong khi mở rộng mạng lưới hợp tác với các nền dân chủ có cùng chí hướng khác”, ông Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. mô tả các hiệp ước quốc phòng với Canada và New Zealand là một phần trong nỗ lực của Manila nhằm “xây dựng và củng cố” các liên minh với các quốc gia có cùng chí hướng.
“Quy chế của thỏa thuận lực lượng viếng thăm với New Zealand là một phần quan trọng trong ... các sáng kiến của hai nước và các sáng kiến đa quốc nhằm chống lại lời lẽ đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi luật pháp quốc tế”, ông nói với các nhà báo bên lề một sự kiện vào ngày 6 tháng 2.
Trong khi đó, đại sứ Canada tại Philippines, David Hartman, cho biết tại một sự kiện báo chí vào ngày 7 tháng 2 rằng thỏa thuận lực lượng viếng thăm sẽ cho phép Canada “tham gia nhiều hơn nữa vào các cuộc tập trận và hoạt động huấn luyện chung và đa phương với Philippines và các đồng minh” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Một số nhà phân tích Philippines mô tả việc ký kết các thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nhằm “điều chỉnh lại” các lợi ích chiến lược lâu dài của đất nước.
Vào lúc Trung Quốc tiếp tục thách thức các yêu sách lãnh thổ của nhiều quốc gia khác nhau trên khắp khu vực Thái Bình Dương, “những nỗ lực của Philippines nhằm củng cố thêm các thỏa thuận với các đồng minh phù hợp với nhu cầu của Manila trong việc bảo vệ lãnh thổ trên biển và bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực”, ông Joshua Espena, từ tổ chức Hợp tác Phát triển và An ninh Quốc tế có trụ sở tại Philippines, trả lời VOA qua điện thoại.
Với khoảng một phần ba thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông, ông Koh ở Singapore cho biết các quốc gia dân chủ khác coi việc ký kết các thỏa thuận quốc phòng với Philippines là một cách để bảo vệ lợi ích chiến lược và kinh tế của họ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mặc dù những nỗ lực của Philippines nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng với các nền dân chủ khác có thể không thay đổi cơ bản hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng “Trung Quốc vẫn lo ngại khi có quá nhiều đối tác tham gia quân sự với Manila”, ông Koh nói với VOA qua điện thoại.
Ngoài việc đàm phán các hiệp ước quốc phòng với Canada và New Zealand, Philippines cũng đang tìm cách mở rộng các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ.
Trong cuộc gọi hôm 11/2, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Romeo Brawner Jr., và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng CQ Brown, đã thảo luận về “các sáng kiến hiện đại hóa quân đội, các địa điểm của Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường và tăng phạm vi và năng lực của các cuộc tập trận chung tại Philippines”, theo phát ngôn viên Hội đồng Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, Đại tá Hải quân Jereal Dorsey.
Ngoài các cuộc thảo luận, Philippines đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ và Canada kể từ tuần trước, một diễn biến mà Trung Quốc nói là phá hoại “hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Trong khi các quốc gia trên khắp thế giới đang chuẩn bị cho những bất ổn xuất phát từ chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, một số chuyên gia cho biết những diễn biến gần đây cho thấy Hoa Kỳ có thể tiếp tục duy trì quan hệ đối tác quốc phòng với Philippines.
“Những người mà chính quyền Trump đưa vào các vị trí an ninh quan trọng chủ yếu là những người theo chủ nghĩa diều hâu đối với Trung Quốc, vì vậy họ coi mối đe dọa từ Trung Quốc là rất thực tế và Philippines vẫn ở tuyến đầu [của mối đe dọa đó]”, ông Raymond Powell, giám đốc dự án Sealight của Đại học Stanford, nơi theo dõi các hoạt động hàng hải của Trung Quốc trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nói.
Ông nói Philippines có thể “được hưởng lợi” từ định hướng chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Manila “có thể có một trong những lập luận mạnh mẽ nhất” để thuyết phục Hoa Kỳ chuyển nguồn lực sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì “họ đang ở tuyến đầu”, ông Powell nói với VOA qua điện thoại.
Trong khi Hoa Kỳ và Philippines tiếp tục duy trì hợp tác quốc phòng, Trung Quốc đã mô tả mối quan hệ đối tác này là “cực kỳ nguy hiểm”.
“Trung Quốc sẽ không ngồi yên khi lợi ích an ninh của mình bị tổn hại hoặc bị đe dọa”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 12/2.
Để đối phó với các hoạt động ngày càng quyết liệt của lực lượng hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông, ông Brawner Jr. cho biết hôm 12/2 rằng Philippines hy vọng sẽ mua thêm hai tàu ngầm và phi đạn BrahMos từ Ấn Độ. Hãng tin Reuters đưa tin rằng New Delhi dự kiến sẽ ký một thỏa thuận phi đạn trị giá 200 triệu đô la với Manila vào năm sau.
Ông Powell nhận định rằng số phi đạn bổ sung đó có thể tăng cường khả năng răn đe của Philippines đối với Trung Quốc, trong khi Manila có thể cần nỗ lực đáng kể để làm quen với việc vận hành các tàu ngầm.
Bất chấp nỗ lực gần đây của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong việc “đề xuất một thỏa thuận” nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông, ông Powell cho rằng lập trường cứng rắn của Bắc Kinh sẽ khiến đề xuất này khó có thể hiện thực hóa.
Diễn đàn