Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba vào tuần trước, hai quốc gia đã lên tiếng về cách tiếp cận “hòa bình thông qua sức mạnh” của ông Trump nhằm chống lại Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các nhà phân tích nói.
“Thủ tướng và tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để duy trì hòa bình và an ninh — và tôi cũng nói rằng — hòa bình thông qua sức mạnh trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Trump phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc gặp với ông Ishiba tại Washington vào ngày 7/2.
“Chúng tôi đã nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn nữa để chống lại sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc, vốn rất hung hăng”, ông Trump cho biết.
Ông Ishiba nói: “Việc tăng cường hơn nữa liên minh vững mạnh và kiên định giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ để đạt được một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” là chìa khóa “để thúc đẩy lợi ích quốc gia của cả hai nước chúng ta một cách tổng hợp và hiện thực hóa hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Các nhà phân tích cho biết cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa ông Trump và ông Ishiba đã thành công trong việc đạt được thỏa thuận về những gì mà cả hai nhà lãnh đạo đều coi là quan trọng: chống lại sự xâm lược của Trung Quốc và củng cố lợi ích quốc gia của họ.
Cam kết an ninh
Ông Ishiba tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ để duy trì hợp tác an ninh liên minh đa phương gần nhà ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi ông Trump đảm bảo các khoản đầu tư và mua hàng của Nhật Bản.
Các nhà phân tích cho biết, ông Ishiba đồng hành với tầm nhìn của ông Trump về việc khiến Hoa Kỳ mạnh mẽ trong nước theo cách tiếp cận “Nước Mỹ Trên hết” của ông như một điều kiện tiên quyết để duy trì hòa bình thông qua sức mạnh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực rất quan trọng đối với quốc phòng của Nhật Bản.
“Thông cáo chung của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ - Nhật Bản tái khẳng định cách tiếp cận hòa bình thông qua sức mạnh của ông Trump đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Kenneth Weinstein thuộc Viện Hudson nhận định.
“Thông cáo chung của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ - Nhật Bản, mà Tổng thống Trump đã ký, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các mạng lưới đa phương ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Weinstein nói với VOA vào ngày 9/2.
“Hai nhà lãnh đạo có ý định thúc đẩy hợp tác nhiều lớp và thống nhất” với đối thoại an ninh bộ tứ Quad và ba mối quan hệ ba bên riêng biệt với Hàn Quốc, Úc và Philippines “để hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, ông Trump và ông Ishiba cho biết trong một tuyên bố chung.
Một số người lo ngại rằng ông Trump sẽ không ủng hộ việc thành lập liên minh an ninh nhằm duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.
“Một mối quan tâm lớn của Nhật Bản” là liệu chính quyền Trump có tiếp tục nhấn mạnh vào “tính trung tâm của liên minh” hay các “cấu trúc đa tầng” hoặc “các cơ chế hợp tác nhỏ” hay không, ông Daniel Sneider, giảng viên về Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Stanford, cho biết.
Ông Sneider nói với VOA vào ngày 10/2, “Thật an tâm cho người Nhật Bản và những người ở Hoa Kỳ lo lắng liệu những chính sách đó có tính liên tục hay không khi có ít nhất một sự khẳng định bằng văn bản về những điều đó trong tuyên bố chung”.
Trong tuyên bố chung, ông Trump và ông Ishiba cũng bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” đối với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Hoa Đông và các yêu sách hàng hải phi pháp của nước này ở Biển Đông.
Họ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với “sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế” và phản đối những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá vỡ sự ổn định trên Eo biển Đài Loan.
Tại một cuộc họp báo được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 10/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn nói, “Một phần trong tuyên bố chung của Hoa Kỳ-Nhật Bản về Trung Quốc cấu thành sự can thiệp công khai vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và là một cuộc tấn công và bôi nhọ đối với Trung Quốc, cũng nhằm mục đích gây hoang mang trong khu vực”.
Tăng cường đầu tư
Ông Trump tuyên bố tại cuộc họp báo rằng Nhật Bản sẽ đầu tư 1 nghìn tỷ đô la vào Hoa Kỳ, tham gia vào dự án Khí đốt Hóa lỏng LNG Alaska và đầu tư vào, thay vì mua, US Steel.
Trong một trong những sắc lệnh đầu tiên mà ông Trump ký vào ngày 20 tháng 1, ông đã mở cửa cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Alaska để phát triển và sản xuất, đồng thời cho phép bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực Thái Bình Dương.
Ông Ishiba nói, “Một khoản đầu tư chưa từng có” từ Nhật Bản vào Hoa Kỳ và các khoản đầu tư của Nhật Bản vào US Steel là “cùng có lợi” và “không chỉ đóng góp cho Hoa Kỳ và Nhật Bản mà còn cho toàn thế giới”.
Ông Weinstein, tại Hudson, cho biết, “Việc công bố một nghìn tỷ đô la đầu tư nước ngoài vào Hoa Kỳ là khoảnh khắc mang tính bước ngoặt, cũng như việc công bố các khoản đầu tư vào lĩnh vực LNG” và “khoản đầu tư đang chờ cứu xét của US Steel”.
“Ông Ishiba ủng hộ những gì vì lợi ích tốt nhất của Nhật Bản: một liên minh với khoảng cách tối thiểu giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản”, ông nói. “Vì vậy, ông ấy hiểu rằng cần phải ủng hộ cách tiếp cận Nước Mỹ Trên hết để tiếp tục liên kết với chính quyền Trump. Một nước Mỹ mạnh mẽ là sự đảm bảo tốt nhất cho hòa bình và ổn định toàn cầu”.
Khi giải thích chính sách đối ngoại sẽ như thế nào dưới thời chính quyền Trump, Ngoại trưởng Marco Rubio, trong phiên điều trần để được chuẩn nhận vào tháng 1, đã nhấn mạnh “một chính sách đối ngoại tập trung vào lợi ích quốc gia của chúng ta” và khiến Hoa Kỳ trở nên mạnh mẽ trước tiên trong nước như là điều kiện tiên quyết để duy trì hòa bình và an ninh trên toàn thế giới.
“Ông Ishiba tôn trọng chính sách Nước Mỹ Trên hết” của ông Trump, nhưng ông cũng là thủ tướng theo khuynh hướng “Nhật Bản Trên hết”, bà Yuki Tatsumi, giám đốc Chương trình Nhật Bản tại Trung tâm Stimson cho biết.
Bà nói với VOA vào ngày 7/2 rằng “cả hai nhà lãnh đạo đều có lợi. Ông Trump đã nhận được cam kết tăng đầu tư của Nhật Bản vào Hoa Kỳ, trong khi ông Ishiba đã đạt được sự khẳng định của Trump về cam kết của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản, bao gồm cả Quần đảo Senkaku, và tuyên bố chung trong đó nêu rõ sự ủng hộ của Hoa Kỳ-Nhật Bản đối với Đài Loan”.
Trong tuyên bố chung, ông Ishiba và ông Trump đã nhấn mạnh “cam kết không lay chuyển” của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nhật Bản bằng toàn bộ khả năng của mình, bao gồm cả khả năng hạt nhân. Cả hai cũng “nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ của họ đối với bất kỳ hành động nào tìm cách phá hoại sự quản lý lâu dài và hòa bình của Nhật Bản đối với Quần đảo Senkaku”.
Bà Tatsumi cho biết có “sự liên tục” từ chính quyền Biden đến chính quyền Trump, đó là biến quan hệ Hoa Kỳ - Nhật Bản thành “trung tâm của hợp tác liên minh và quan hệ đối tác trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Diễn đàn