Đường dẫn truy cập

CEO Thu Thủy lên tiếng về biến động giá cổ phiếu VinFast trên sàn chứng khoán Mỹ


CEO toàn cầu của VinFast Lê Thị Thu Thủy phát biểu trước khi rung chuông mở màn phiên giao dịch của Nasdaq nơi cổ phiếu của hãng xe Việt Nam bắt đầu được niêm yết hôm 15/8.
CEO toàn cầu của VinFast Lê Thị Thu Thủy phát biểu trước khi rung chuông mở màn phiên giao dịch của Nasdaq nơi cổ phiếu của hãng xe Việt Nam bắt đầu được niêm yết hôm 15/8.

Giám đốc điều hành toàn cầu của VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy, hôm 5/9 bác bỏ những lo ngại về sự biến động của giá cổ phiếu VinFast sau khi được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq ở New York và tin tưởng vào tiềm năng của công ty trong bối cảnh hệ sinh thái xe điện đang mở rộng nhanh chóng ở Đông Nam Á, theo Nikkei Asia.

Hãng xe ô tô khởi nghiệp của Việt Nam bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ hôm 15/8 khi được niêm yết thông qua một công ty séc khống, vốn được lập ra để huy động vốn trong một đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO). VinFast sáp nhập với Black Spade Acquisition và được định giá 23 tỷ USD.

Ngay trong ngày đầu niêm yết, cổ phiếu của VinFast tăng 210%, từ mức hơn 10 USD/cổ phiếu trước khi thị trường mở cửa lên hơn 30 USD/cổ phiếu khiến người nắm giữ hầu hết số cổ phiếu của hãng, ông Phạm Nhật Vượng – chủ tịch tập đoàn Vingroup – lọt vào danh sách 30 tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes. Nhưng sau ngày đầu tăng mạnh, cổ phiếu của hãng xe điện Việt Nam lại lập tức lao dốc. Tại thời điểm chốt phiên giao dịch hôm 16/8, giá trị vốn hóa của VinFast mất 15 tỷ USD sau một ngày xuống 70 tỷ USD.

Vào tuần trước, giá cổ phiếu của VinFast lại tăng vọt khiến vốn hóa của công ty này có lúc lên đến hơn 200 tỷ USD, trở thành hãng xe có giá trị lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Tesla của Mỹ và Toyota của Nhật Bản.

“Bạn có thể đã thấy, sau khi niêm yết, giá cổ phiếu của chúng tôi diễn biến như thế nào và tôi nghĩ rằng rất nhiều người đã ngạc nhiên,” bà Thủy được Nikkei trích lời nói tại một cuộc thảo luận của Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư Kinh doanh ASEAN tại thủ đô Jakarta của Indonesia hôm 5/9. Sự kiên này diễn ra trước cuộc họp thượng đỉnh của các lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các nước đối tác vào cuối tuần này.

“[Nhưng] chúng tôi không ngạc nhiên vì chúng tôi tin vào tiềm năng của công ty [chúng tôi], một công ty công nghệ trong khu vực này của thế giới,” bà Thủy nói thêm, theo Nikkei.

Theo thống kê của Reuters, cổ phiếu được chào bán ra công chúng của VinFast đã tăng hoặc giảm 14% trong 11/12 phiên giao dịch vừa qua.

Sự trồi sụt nhanh chóng trong giá trị cổ phiếu của VinFast đã đặt ra những câu hỏi về giá trị thực của nó.

Chuyên gia tài chính-ngân hàng người Mỹ gốc Việt Nguyễn Trí Hiếu, người có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đưa ra nhận định với VOA về hiện tượng cổ phiếu của VinFast, với mã giao dịch VFS, tăng giá vùn vụt rằng “cần một vài tháng, thậm chí là cả một năm để định giá trị thực của cổ phiếu.”

Tạp chí Forbes sau đó cũng đã đưa ông Vượng ra khỏi danh sách 500 tỷ phú giàu nhất thế giới.

Tuy nhiên, bà Thủy cho biết VinFast đã chứng minh điều mà nhiều người cho là không thể kể từ khi bắt đầu nghiên cứu sản xuất xe điện cách đây 6 năm, đồng thời cho biết công ty đã tung ra 7 mẫu xe tại Việt Nam, theo Nikkei.

“Ô tô rất phức tạp, rất công phu. Chúng tôi có thể sẽ không bao giờ làm được,” bà Thủy nói khi lặp lại nhận xét của những người hoài nghi về khả năng của VinFast, một công ty con của tập đoàn Vingroup. “Nhưng chúng tôi đã làm được.”

VinFast cho biết họ đã giao 11.300 xe điện trong nửa đầu năm nay, chủ yếu ở Việt Nam. Công ty này đã vận chuyển 999 ô tô điện tới Mỹ cho các khách hàng ở đây nhưng toàn bộ số xe này đã bị thu hồi vào tháng 5 vừa qua do lỗi màn hình.

Ngoài việc là doanh nghiệp Việt Nam hiếm hoi niêm yết tại Mỹ, VinFast còn là nhà sản xuất duy nhất của Việt Nam xuất khẩu ô tô ra thị trường thế giới.

Bà Thủy cho biết hệ sinh thái xe điện đang phát triển ở Đông Nam Á sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng của VinFast, theo Nikkei. Tờ báo của Nhật cho biết, giám đốc điều hành VinFast viện dẫn trữ lượng giàu có về niken, một thành phần quan trọng trong pin xe điện, ở Indonesia và những khát vọng của ngành công nghiệp pin ở nước này cho sự lạc quan của mình. Bà Thủy, theo Nikkei, cũng đề cập đến các dự án liên quan đến xe điện ở Malaysia và Thái Lan.

Từ góc độ chuỗi cung ứng, “tôi nhìn thấy mọi thứ ở khu vực này,” bà Thủy được Nikkei trích lời nói. “Chúng tôi có thể lấy hầu hết các bộ phận, tất cả các bộ phận, linh kiện từ đây.”

“Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn có thể sản xuất xe điện [tại ASEAN] và xuất khẩu từ đây ra khắp thế giới,” bà Thủy nói.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG