Đường dẫn truy cập

CSIS: Việt Nam xây dựng hệ thống phòng thủ ở Trường Sa để đối phó với Trung Quốc


Các hình ảnh vệ tinh trong báo cáo mới nhất của CSIS, trong đó nói rằng Việt Nam đã xây dựng hệ thống phòng thủ ở quần đảo Trường Sa trong 2 năm qua để có khả năng tấn công lại Trung Quốc.
Các hình ảnh vệ tinh trong báo cáo mới nhất của CSIS, trong đó nói rằng Việt Nam đã xây dựng hệ thống phòng thủ ở quần đảo Trường Sa trong 2 năm qua để có khả năng tấn công lại Trung Quốc.

Việt Nam đã xây dựng hệ thống phòng thủ ở Trường Sa trong 2 năm qua để “đảm bảo rằng họ có thể tấn công lại” Trung Quốc ở quần đảo có tranh chấp, theo báo cáo của một tổ chức nghiên cứu Mỹ có trụ sở ở Washington DC.

Các hệ thống phòng thủ bờ biển và phòng không đã được lắp đặt trên hầu hết các căn cứ của Việt Nam ở Trường Sa, với những nâng cấp đáng kể nhất tại Đá Tây và Đảo Sinh Tồn, theo báo cáo của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đưa ra hôm 19/2.

Báo cáo này cho biết những công trình xây dựng gần đây “nhấn mạnh” nỗ lực của Việt Nam tiếp tục làm cho các cơ sở của mình trong khu vực “kiên cường hơn trước sự xâm phạm hoặc bao vây của Trung Quốc” và đảm bảo rằng các căn cứ của Trung Quốc nằm trong phạm vi có thể tấn công được.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về báo cáo mới được đưa ra của CSIS.

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông – chồng lấn với các tuyên bố của Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan – cũng như chiếm các tiền đồn tại đó. Bắc Kinh truyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và căng thẳng đã leo thang do các hàng động ngày càng gia tăng của họ trong khu vực, khiến Mỹ hồi tháng 7 năm ngoái phải ra tuyên bố về Biển Đông cáo buộc chiến dịch hiếp đáp của Trung Quốc trên vùng biển giàu tài nguyên này.

Theo báo cáo của viện nghiên cứu Mỹ, những nâng cấp gần đây tại Đá Tây và Đảo Sinh Tồn “tuân theo các mô hình đã được thấy ở các tiền đồn khác của Việt Nam ở Trường Sa”.

“Các công trình phòng thủ ven biển – các ụ bê tông thường được kết nối với boongke – có mặt ở khắp các tiền đồn lớn hơn của Việt Nam,” báo cáo cho biết.

Theo CSIS, Việt Nam trong hai năm qua đã lắp đặt các tháp tín hiệu và tòa nhà hành chính trên khu đất rộng 28,3 ha tại đảo Đá Tây, được khai hoang từ năm 2013 đến năm 2016.

Báo cáo còn cho biết một loạt các công trình phòng thủ cũng đã được xây dựng dọc theo 10,5 ha đất của bờ biển phía bắc Đảo Sinh Tồn trong một dự án được bắt đầu vào năm 2019. Trích dẫn các hình ảnh vệ tinh từ hòn đảo này, báo cáo cho biết phần việc chính đã được hoàn thành vào cuối năm ngoái.

Theo nghiên cứu của CSIS, Việt Nam cũng đã tiến hành các hoạt động xây dựng gần đây tại Đảo Phan Vinh và Đảo Nam Yết, nơi họ lắp đặt thêm các cấu trúc hình mái vòm dùng để bảo vệ ăng-ten radar và một số tòa nhà hành chính.

Các tòa nhà hành chính cũng được xây dựng trên Đảo Sinh Tồn Đông và Đảo Trường Sa Đông, báo cáo cho biết. Ngoài ra, các hệ thống vũ khí mới hơn và tầm xa hơn đã được lắp đặt trên các tiền đồn của Việt Nam trong chuỗi đảo, bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không mua từ Israel.

Reuters hồi năm 2016 trích dẫn nguồn tin riêng cho biết Việt Nam đã củng cố sức mạnh cho một số hòn đảo của mình ở Trường Sa trên Biển Đông một cách “kín đáo” với các bệ phóng tên lửa di động mới mua từ Israel có khả năng tấn công các đường băng và cơ sở quân sự của Trung Quốc.

“Kích thước nhỏ của các hệ thống này sẽ giúp chúng dễ dàng triển khai và che giấu nhanh chóng. Chúng chỉ cần cơ sở hạ tầng hỗ trợ tối thiểu và có thể bắn đi được… từ bất kỳ bề mặt cứng, phẳng hợp lý nào khác,” báo cáo của CSIS cho biết. “Điều đó có nghĩa là chúng có thể dễ dàng có mặt tại bất kỳ, hoặc tất cả, các hòn đảo trong số 10 đảo lớn nhất của Việt Nam”.

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông gia tăng trong những năm gần đây, nơi mà các tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa hai quốc gia Cộng sản láng giềng lại thỉnh thoảng xảy ra, từ việc đưa giàn khoan hoặc tàu thăm dò vào vùng đặc quyền kinh tế cho tới việc đâm chìm tàu cá.

Gần đây nhất vào tháng 4 năm ngoái, Hà Nội đã gửi công hàm phản đối Bắc Kinh khi một tàu đánh của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu tuần duyên Trung Quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp. Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã đâm tàu đánh cá của mình trong khi Trung Quốc phủ nhận điều này.

Hải quân Việt Nam và Trung Quốc đối đầu nhau trong hai trận chiến ngắn vào năm 1974 trên quần đảo Hoàng Sa và 1988 trên quần đảo Trường Sa.

VOA Express

XS
SM
MD
LG