Đường dẫn truy cập

Vụ Trịnh Xuân Thanh đào thoát: Vừa mở màn chiến dịch hồi tố!


Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa tại Việt Nam.
Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa tại Việt Nam.

Hai tháng sau cái chết của Trần Đại Quang, ngày 27/11/2018 là thời điểm diễn ra hai sự kiện chính trị cùng lúc và rất có thể liên đới mật thiết với nhau về yếu tố ‘phe cánh chính trị’: trong khi cựu thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘Nhôm’ chính thức khai ra một cái tên khác của ông ta là Trần Đại Vũ, Bộ Công an đã lần đầu tiên bắt người đầu tiên liên quan đến đường dây đưa Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài - ông Đường Hùng Cường, 41 tuổi, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư – thương mại dầu khí Nghệ An.

Hai sự kiện một bản chất

Bị di lý từ Hà Nội vào Sài Gòn để phục vụ phiên tòa xử vụ Ngân hàng DongABank, Vũ ‘Nhôm’ đã khai ra cái tên Trần Đại Vũ với toàn bộ phụ âm và nguyên âm rất gần với người mà từ lâu được đồn đoán là ‘chú của Phan Văn Anh Vũ’ - tức ông Trần Đại Quang.

Vào tháng Tư năm 2017, lần đầu tiên hàng loạt tài liệu đóng dấu TỐI MẬT và TUYỆT MẬT được một bàn tay bí ẩn nào đó và hầu như không thể khác ‘nội bộ đảng ta’ tung lên mạng xã hội về công ty bình phong của Vũ ‘Nhôm’ của Tổng cục Tình báo Bộ Công an, do chính hai thứ trưởng công an thời đó là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân ký giới thiệu một cách đầy ưu ái với Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP.HCM và một số tỉnh thành khác để ‘quan hệ làm việc’, mà thực chất là việc Vũ ‘Nhôm’ đã khai thác triệt để sức mạnh của những công văn này để giành được nhiều khu đất vàng ở Sài Gòn. Sau khi Vũ ‘Nhôm’ bị bắt tại cửa khẩu Singapore - Malaysia vào tháng Giêng năm 2018 và được dẫn độ về Hà Nội, một trận ‘thay máu’ nhân sự bộ Công an đã xảy ra, trên bề mặt là chiến dịch ‘tái cơ cấu Bộ Công an’ mà trọng điểm là xóa xổ toàn bộ 6 tổng cục trong đó có Tổng cục Tình báo, về bản chất cả hai tướng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân đều bị Bộ Chính trị và Ban Bí thư kỷ luật, dù cho đến nay vẫn chưa bị bắt.

Tuy nhiên khác nhiều với vụ Vũ ‘Nhôm’ mà dù sao đã manh nha tìm ra được một đường dây giúp Vũ trốn khỏi Việt Nam vào những ngày cuối tháng Mười Hai năm 2017, việc Trịnh Xuân Thanh biến mất khỏi Việt Nam vào những tháng cuối năm 2016 cho tới gần đây - tức trước vụ bắt Đường Hùng Cường - vẫn còn là một bí ẩn mang tính truyền thuyết.

Truyền thuyết đến độ nghe nói ‘Cụ Tổng’ đến mất ăn mất ngủ bởi vụ Trịnh Xuân Thanh và những hệ quả tiếp liền theo đó.

Một thế lực cực mạnh!

Theo một số nguồn tin trên mạng xã hội xuất hiện vào năm 2017 sau khi Trịnh Xuân Thanh ‘ra đi tìm đường cứu nước’, Trịnh Xuân Thanh đã bị Bộ Công an đưa vào tầm ngắm từ tháng 5/2016, khi đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Ban Kiểm tra TW làm rõ nguồn gốc chiếc xe tư nhân Lexus biển xanh của Trịnh Xuân Thanh, điều mà người ta cho rằng là cái cớ để truy tố đàn anh của ông Thanh là Ủy viên bộ chính trị kiêm Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng. Tuy nhiên Trịnh Xuân Thanh đã được sự tiếp tay và giúp đỡ từ ‘lãnh đạo cao cấp trong Bộ Công an’ nên đã bỏ trốn từ cuối tháng 7/2016. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy là vào lúc 21h15, ông Trịnh Xuân Thanh đi từ nhà riêng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lên một chiếc xe biển xanh đi đâu không rõ. Tuy nhiên có nguồn tin cho rằng, hình ảnh của camera an ninh tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn có ghi lại được hình ảnh Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh qua Trung Quốc thông qua cửa khẩu này.

Một số thông tin khác cũng cho biết theo Trịnh Xuân Thanh cho mọi người biết thì ngay sau khi nhận được thông tin hồ sơ của mình bị chuyển sang cho công an thụ lý, ông Thanh đã xác định được tương lai của mình chắc chắn sẽ là nhà tù. Do đó, ông đã từ Hậu Giang lên TP.HCM để báo cáo với một cán bộ lãnh đạo cao cấp tại đây để xin chỉ thị. Sau đó, ông Thanh trở ra Hà Nội thu xếp công việc và đến gặp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng để trao đổi các vấn đề liên quan mà hai bên chưa giải quyết xong. Ngay sau đó, ông Thanh đến một địa điểm bí mật tại Hà Nội ở một thời gian, ông Thanh đã rời Việt Nam bằng đường bộ. Việc trốn chạy của Trịnh Xuân Thanh đã làm cho dư luận hết sức ngạc nhiên. Vì trong một chế độ công an trị, việc quản lý, giám sát công dân hết sức nghiêm ngặt, việc một cán bộ mắc một loạt sai phạm, lại nằm trong danh sách bị khởi tố lại có thể thoải mái trốn sang nước ngoài. Dư luận cho rằng, phải có người giúp đỡ nên ông Thanh mới có thể dễ dàng tẩu thoát ra nước ngoài, và để làm được việc đó phải là người của công an.

Sau khi nổ ra hai vụ đồng thời gây chấn động về ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ - theo một công bố của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam vào đầu tháng Tám năm 2017, và vụ ‘Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Berlin vào tháng 7/2017’ do Bộ Ngoại giao Đức tố cáo, nhiều cựu thần và giới cách mạng lão thành đã khẩn thiết yêu cầu Nguyễn Phú Trọng phải cho điều tra khẩn trương xem thế lực chính trị nào đã cả gan tiếp tay cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài ngay trước mũi ‘công an giỏi nhất thế giới’. Tuy nhiên, hiện tượng hết sức lạ lùng là cho đến tận phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh vào đầu năm 2018, vẫn chẳng có bất kỳ một tin tức nào được tiết lộ về thế lực nào đã giúp Thanh bỏ trốn. Dù văn phòng của Tổng bí thư Trọng đã làm hết sức để tuy chứng cứ tại tòa không đủ sức thuyết phục mà vẫn giáng xuống đầu Trịnh Xuân Thanh không phải một mà đến hai cái án chung thân, đã không có một dấu hiệu rõ rệt nào cho thấy các cơ quan đảng của ông Trọng lần mò ra được đường dây nào đã giúp Thanh bỏ trốn.

Hoặc một giả thiết khác đáng thuyết phục hơn: ở Việt Nam mọi thứ đều là bí mật nhưng lại chẳng có gì được giữ bí mật, cũng như cái đường dây nào đó đã giúp Trịnh Xuân Thanh đào tẩu thì Tổng Trọng và Tổng cục 2 tình báo quân đội nhắm mắt cũng biết là ai. Chỉ có điều, cái thế lực bảo kê cho vụ đào thoát Trịnh Xuân Thanh phải lớn đến mức cả Bộ Chính trị không làm gì nổi.

Đó là nguồn cơn khiến tình hình truy tìm ‘đường dây’ lâm vào bế tắc. Sau khi phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh kết thúc, vụ ‘đường dây’ cũng dần chìm lắng, báo chí và giới cựu thần trong đảng cũng không còn quá xôn xao về ông A ông B đã giúp Thanh bỏ trốn mà nhường chỗ cho nhiều sự kiện ’đốt lò’ khác rạo rực hơn.

Đến thời ‘chạy loạn’

Động thái Cục Cảnh sát hình sự (C45) thuộc Bộ Công an vào ngày 27/11/2018 lần đầu tiên ra tay bắt một người liên quan đến đường dây giúp Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài đã khuấy động toàn bộ ký ức xưa cũ. Lịch sử bị lôi xềnh xệch trở lại. Chắc chắn trong những ngày tới, báo đảng và toàn bộ hệ thống báo chí nhà nước sẽ được bật đèn xanh để lao vào một chiến dịch hồi tố mới: thế lực nào, hoặc cụ thể hơn là những quan chức đủ cao cấp nào đã tiếp tay cho Thanh?

Chính trị nội bộ đang giương móng vuốt cào cấu cái phần thân thể xơ xác tím tái và đổ máu của chính nó. Nếu quả thật có một mối liên đới ruột rà giữa hai cái tên Trần Đại Vũ và Trần Đại Quang, việc lật lại hồ sơ ban đầu không bao giờ là quá muộn. Và nếu quả thật có một đường dây ‘cán bộ cao cấp Bộ Công an’ đã giúp cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài vào nửa cuối năm 2016, hẳn đây là lúc tân chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng biết cách tận dụng ‘thiên thời’ để thỏa mãn thông tin cho giới cách mạng lão thành - với một số người trong đó đang kỳ vọng ông Trọng sẽ trở thành ‘Minh quân’ và thậm chí ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’.

Còn những kẻ không biết tận dụng lịch sử sẽ bị lịch sử chôn vùi. Không chóng thì chầy, cánh của quan chức chủ tịch nước mà giờ đây chỉ còn nổi lên từ ‘cố’ ở phía trước sẽ bị lịch sử bóp nghẹt trong bóng tối mênh mông hoang hầm hập của nó. Sau cái chết của Trần Đại Quang, rất có thể đã biến động một cuộc chạy loạn, còn những kẻ không kịp chạy thì đương nhiên sẽ phải bị tống vào ‘lò’.

Cái tên Đường Hùng Cường vừa bị Bộ Công an bắt chỉ là ‘chuyện nhỏ’, và có thể chỉ là một cái tên dân sự nhỏ bé được công khai, trong khi còn có những cái tên hình sự lớn hơn nhiều có thể đã bị bắt kín mà chưa thể ló ra công luận.

Hai cứ điểm Cục Cảnh sát điều tra và Cục An ninh điều tra của Bộ Công an - hai thanh kiếm sắc bén trong phong trào ‘bắt, bắt nữa, bắt mãi’ mà Nguyễn Phú Trọng chiếm gọn vào tháng Tám năm 2018 - đang bắt đầu phát huy tác dụng ‘bảo vệ chính trị nội bộ’ lạnh lẽo, tàn nhẫn và ‘chỉ phù thịnh không phù suy’.

Trước mặt Nguyễn Phú Trọng giờ đây là con đường thẳng tắp của một thứ quyền lực vô song chứ không còn phải cong cong quẹo quẹo như chỉ vài tháng trước.

Một đợt thanh trừng mới đối với tướng tá công an lại sắp nổ ra, nằm trong giai đoạn 3 của chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng - giai đoạn có thể ồn ào và sắc máu nhất. Hầu như không còn một ‘bức tường’ nào đủ kiên cố để chặn bước Nguyễn Phú Trọng nếu quả thực ông ta muốn ‘rửa mặt’ từ vụ Trịnh Xuân Thanh.

Nhưng chiến dịch thanh trừng sắp tới - khác với số phận dù sao còn là may mắn của một số viên tướng công an chỉ bị kỷ luật mà không bị thiêu cháy vào khoảng thời gian trước tháng Mười Một năm 2018 - sẽ có thể là bắt bớ và nhà tù.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG