Đường dẫn truy cập

Học cách bảo vệ trẻ em


Danh hài Minh Béo (tên thật là Hồng Quang Minh) ảnh chụp từ trang vnexpress
Danh hài Minh Béo (tên thật là Hồng Quang Minh) ảnh chụp từ trang vnexpress

Đầu tuần sau tin về một nghệ sĩ hài Việt Nam, Hồng Quang Minh, nghệ danh Minh Béo bị kiện tại Tòa Thượng thẩm Orange County, tiểu bang California, Mỹ, về nghi án xâm phạm trẻ em vị thành niên. Có 3 tội danh chính được đưa ra với mức án tù tối đa 5 năm 8 tháng. Dĩ nhiên nếu bị kết án, sau 5 năm, việc Minh Béo quay lại đất nước này là không thể. Báo chí nước nhà đang lùm xùm đưa tin về sự việc, kèm theo đó là những thông tin lá cải bên lề như việc nam diễn viên này bị đánh, treo cổ tự tử…

Ban đầu, theo phần lớn số đông, ngay lập tức tôi đi đến kết luận Minh Béo có tội và định viết một bài lên án gay gắt nam nghệ sĩ này. Cũng vì thế mà tôi và một người bạn tranh cãi kịch liệt, khi mà bạn tôi bảo chưa có một bằng chứng gì cụ thể để luận tội anh Minh. Việc tòa án quận Cam “sờ gáy” danh hài và tất cả những thông tin lùm xùm bề mặt về việc trước đây Minh Béo đã từng bị tố cáo lạm dụng tình dục trẻ em ở Việt Nam cũng không thể chứng minh rõ ràng được anh là người có tội ở thời điểm quá khứ và hiện tại. Chúng ta chỉ có thể đợi đến khi tòa án có kết luận chính thức.

Và tôi đặt ra một câu hỏi phản biện mà đến chính tôi còn không trả lời được, rằng nếu không phải bây giờ, nếu Minh Béo không sang Mỹ để biểu diễn, nếu chỉ quanh quẩn ở Việt Nam cùng những tin đồn thổi kia, thì làm cách nào để biết được anh ta có những hành vi phạm tội như vậy hay chăng? Michael Jackson cũng đã từng bị khởi tố 4 tội danh liên quan đến vấn đề xâm phạm trẻ em, nhưng người Mỹ hiểu rằng việc khởi tố đó không đồng nghĩa với việc ông hoàng nhạc Pop có tội và đáng bị ném đá, sỉ nhục như phần đông chúng ta đang làm với Minh Béo.

Thực tế, tất cả những gì chúng ta cần nhìn nhận bây giờ không phải kết tội một người nào đó mà là nhận thức được một hệ thống bảo vệ trẻ em hết sức chặt chẽ của luật pháp và người dân Mỹ, mà chính chúng ta không làm được. Mà khoan nói về vấn đề to tát như hệ thống luật pháp, ý thức cá nhân trong một xã hội phát triển là rất cao khi nhắc đến việc bảo vệ trẻ em của quốc gia đó. Một người chị của tôi theo chồng công tác tại Mỹ than vãn rằng tháng này hóa đơn nộp tiền học mẫu giáo của con tăng vọt. Đi hỏi giáo viên mới biết rằng chị đón trễ con vài buổi khiến cô giáo phải ở lại thêm giờ để trông học sinh, tiền đó là để trả cho thời gian làm việc ngoài giờ của cô giáo. Đúng “tư bản giãy chết”, gì cũng tính tiền được! Chưa kể, phải là đúng bố mẹ, hoặc người được bố mẹ chứng thực cho phép đến đón học sinh, nhà trường mới trả về.

Khi con đến trường, “vận mệnh” của con thuộc về nhà trường. Tôi đang tưởng tượng nếu trên bảng thông báo trường mà có dán giấy “đề nghị bố mẹ cẩn thận, đón con đúng giờ, không để người khác đưa đón hộ vì hiện tại đang xảy một số vụ bắt cóc trẻ em” như ở nước ta thì ngôi trường đó chắc chắn bị đóng cửa chỉ sau vài giờ đồng hồ treo bảng thông báo. Đó là biểu hiện của sự bất lực, hơn thế là sự vô trách nhiệm của giáo dục khi đẩy đưa việc bảo vệ trẻ em chỉ là vấn đề riêng trong khuôn khổ gia đình. Tại các trường học Mỹ, hiếm khi thấy học sinh tung tẩy lang thang ngoài đường xá trong giờ học. Việc “cúp cua” là việc hệ trọng đến nỗi thầy cô lên lớp thấy thiếu vắng một gương mặt là ngay tức thông báo về gia đình. Nếu gia đình không rõ lý do sự vắng mặt này, cần báo động đến các cơ quan chức năng lớn hơn. Đó không phải là sự trừng phạt, đó là vì sự an toàn của chính các em.

Việc các em gặp nguy hiểm, vì bất kỳ lý do gì, đều có thể gây đến chấn thương thể xác hoặc tinh thần. Và hệ lụy của việc bị xâm hại tình dục bao gồm cả hai tổn hại trên, khủng khiếp hơn, đó là hệ lụy lâu dài, làm hỏng cả cuộc đời của con trẻ, hoặc cộc cằn trở thành tội phạm, hoặc tự ti chịu làm người thất bại, nếu không được phát hiện, quan tâm đúng lúc và điều trị đúng cách. Ở xứ Hàn, trước khi lập gia đình, đôi vợ chồng son bắt buộc phải đi tham gia lớp học nuôi dạy con, hoàn thành khóa học đó họ mới đánh giá là có đủ khả năng để gây dựng gia đình. Tôi đã thấy sự mơ hồ về vấn đề này ở xã hội Việt Nam, và muốn đưa ra những hành động mà tôi tin là cá nhân mỗi chúng ta có khả năng làm được để đề phòng xâm hại đối với con em mình.

  • Luôn luôn dạy trẻ ghi nhớ về những vùng nhạy cảm trên cơ thể và chính bản thân bố mẹ cũng phải tuân thủ quy tắc không đụng chạm và tôn trọng con. Điều đó sẽ khiến trẻ con tự ý thức rõ ràng được rằng càng phải giữ khoảng cách với người khác.
  • Tuyệt đối không bình phẩm và không để người ngoài bình phẩm về cơ thể của con trẻ.
  • Dạy trẻ biết cách nói “Không” hoặc phản kháng dữ dội như hô hoán khi cảm thấy bị đe dọa hoặc sợ hãi.
  • Giúp trẻ ghi nhớ thật kỹ số điện thoại cụ thể của người thân để gọi hoặc khu vực cần đến khi xảy ra trường hợp khẩn cấp.
  • Luôn quan tâm đến biểu hiện cử chỉ bất thường cũng như các vết lạ, khó giải thích trên cơ thể của con như bầm tím, dính máu dù không bị vấp, ngã.
  • Quan trọng nhất, trong trường hợp đáng tiếc xảy ra, tuyệt đối không đổ lỗi lên đầu trẻ và bình tĩnh kiên nhẫn lắng nghe trẻ.

Đó chỉ là những chia sẻ của bản thân tôi trong phạm vi bản thân thành viên gia đình có thể hành động và kiểm soát được. Bởi số phận của trẻ em ở đất nước ta không thể giao phó cho xã hội, khi mà nhà trường luôn trốn tránh các tiết học về giáo dục giới tính, quan tâm đến thành tích của trẻ hơn tính cách. Còn với các ban ngành bảo vệ trẻ em, giăng đầy băng rôn biển báo khổng lồ trên khắp phố phường, đường cao tốc “Xâm hại tình dục trẻ em là một tội ác!” nhưng tìm đỏ mắt không “bói” ra được một số điện thoại (hotline) khẩn cấp khi cần, một địa chỉ chăm sóc sang chấn tâm lý dành riêng cho trẻ em bị hại và người thân. Cùng vô vàn sự vô tâm, vô cảm đáng buồn khác của người lớn trong vấn đề bảo vệ những mầm non của xã hội.

* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Hoàng Giang

    Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG