Số người ở Mỹ nói một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh tại gia đã tăng gấp ba lần từ năm 1980 đến năm 2019, theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ. Gần 68 triệu người sống ở Hoa Kỳ, tức cứ 5 người thì có khoảng 1 người, nói ngôn ngữ thứ hai ở nhà. Con số đó hồi năm 1980 là 23 triệu.
Bà Dina Arid, một bà mẹ ba con ở California, người lớn lên cũng nói tiếng Ả Rập ở nhà, cho biết: “Điều này phản ánh những gì mà nước Mỹ được biết đến, đó là một hiệp chúng quốc.” “Cũng tốt là không chỉ có tiếng Anh. Ở đây có nhiều người nhập cư quá mà.”
Trong số năm ngôn ngữ thứ nhì được nói nhiều nhất ở Mỹ có tiếng Ả Rập. Bà Arid, người chủ yếu nói tiếng Anh với các con của mình, đang cố gắng dạy chúng một chút tiếng Ả Rập.
“Thành thật mà nói, khi lớn lên, tôi có những người anh em họ không được học tiếng Ả Rập như tôi và họ luôn, không phải là giận dỗi ba mẹ họ, mà là muốn ba mẹ họ nói chuyện với họ bằng tiếng Ả Rập nhiều hơn để họ có được ngôn ngữ đó,” bà nói.
Tiếng Tây Ban Nha cho đến nay là ngôn ngữ thứ hai phổ biến nhất ở Hoa Kỳ, với hơn 41 triệu người, tức gấp 12 lần so với các ngôn ngữ thứ hai phổ biến khác, nói tiếng Tây Ban Nha ở nhà. Người gốc châu Mỹ Latin là nhóm thiểu số lớn nhất ở Hoa Kỳ. Hơn một nửa (55%) người nói tiếng Tây Ban Nha sinh ra ở Hoa Kỳ.
Các ngôn ngữ khác trong top 5 là tiếng Hoa, tiếng Tagalog và tiếng Việt.
“Cha mẹ tôi cũng nói tiếng Anh ở nhà nhưng họ thực sự cố gắng gìn giữ [tiếng Việt], chẳng hạn như tôi sẽ nói tiếng Anh ở trường vào ban ngày và ban đêm tôi sẽ chỉ nói tiếng Việt để tôi có thể giữ ngôn ngữ và nâng cao trình độ của mình chứ không phải đánh mất nó,” cô Jenny Nguyễn, một sinh viên nha khoa Virginia, có cha mẹ di cư từ Việt Nam, nói. “Khi tôi còn trẻ, tôi không hiểu tầm quan trọng của nó, nhưng tôi nghĩ bây giờ tôi rất vui vì mình có thể nói và viết ở mức độ thành thạo như vậy.”
Cô đã có thể sử dụng các kỹ năng ngôn ngữ của mình khi đến Việt Nam để khám răng miễn phí cho các cộng đồng nghèo khó. Nhiều đồng nghiệp của cô cũng là người Mỹ gốc Việt.
“Họ không thể thực sự giao tiếp với bệnh nhân vì họ không có trình độ cơ bản để có thể nói và hiểu,” cô Nguyễn nói. “Tôi là một trong số rất ít tình nguyện viên trẻ tuổi có thể nói chuyện với bệnh nhân và diễn giải cho họ hiểu những gì đang diễn ra.”
Theo Cục điều tra dân số, những người nói tiếng Hoa, tiếng Việt, tiếng Tagalog và tiếng Ả Rập có nhiều khả năng nhập quốc tịch Hoa Kỳ hơn là không được nhập quốc tịch.
Anh Raymond John “R.J.” Mosuela, một nhà tuyển dụng chăm sóc sức khỏe ở Virginia có cha mẹ đến từ Philippines, không nói được tiếng mẹ đẻ, nhưng nói rằng anh hiểu khi nói chuyện.
Anh Mosuela nói: “Tagalog, phương ngữ chính của Philippines, được nói trong nhà nhưng nó cũng trộn lẫn với tiếng Anh.” “Tôi là con út trong ba anh em. Hai anh trai của tôi sinh ra ở Philippines. Bố mẹ tôi đều sinh ra ở Philippines và khi họ đến đây, họ sinh ra tôi… mẹ tôi nói chuyện với tôi bằng tiếng Tagalog và tôi sẽ đáp lại bằng tiếng Anh.”
Việc truyền lại văn hóa bản địa của cha mẹ cho con cái là điều quan trọng đối với anh Mosuela.
“Khi tôi kết hôn và có con, có thể không dạy ngôn ngữ nhưng ít nhất cũng giống như việc bảo tồn ẩm thực và truyền thống văn hóa của chúng tôi,” anh nói.
Cô Cathy Erway, một nhà văn chuyên viết về ẩm thực ở New York, đang sử dụng một ứng dụng ngôn ngữ để thử và trở nên thông thạo hơn trong tiếng Quan Thoại, ngôn ngữ mẹ đẻ của cô.
Cô Erway nói: “Điều buồn cười là bố tôi, một người Mỹ da trắng, cũng nói được tiếng Hoa. “Và vì vậy bố mẹ tôi sẽ nói chuyện bằng tiếng Trung Hoa với nhau khi họ không muốn bọn trẻ, tôi và anh trai tôi, nghe thấy những gì họ đang nói. Vì vậy, họ coi nó như ngôn ngữ bí mật.”
Trong khi ngày càng có nhiều người nói ngôn ngữ thứ hai ở nhà, Cục Điều tra Dân số báo cáo rằng số người chỉ nói tiếng Anh ở nhà cũng tăng, khoảng 25%, từ 187 triệu vào năm 1980 lên thành 241 triệu vào năm 2019.
Diễn đàn