Đường dẫn truy cập

Nhân chuyện câu ‘Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ’ được gán cho thi sĩ Vũ Hoàng Chương


Ta van cát bụi trên đường // Dù nhơ, dù sạch đừng vương gót này (Hình: Lê Văn Tư)
Ta van cát bụi trên đường // Dù nhơ, dù sạch đừng vương gót này (Hình: Lê Văn Tư)

Dùng những thủ đoạn xuyên tạc hay bịa đặt, tuy chỉ có thể lừa mọi người một thời gian, nhưng cũng đủ để những nhân vật như Trần Huy Liệu, Trần Bạch Đằng ... gây nên bao nhiêu tội ác.

Trần Huy Bích

Trên Văn Việt ngày 16 tháng 2 vừa qua, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (University of New South Wales, Sydney, Úc) cho biết một số độc giả trên mạng đã hiểu một cách sai lầm rằng câu “Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ” là thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Từ chuyện ngộ nhận ấy, nhiều vị viết lời bình luận rằng Vũ Hoàng Chương là một người sắt máu, chẳng khác gì Tố Hữu ngoài Bắc. Cũng qua câu trên, có người cho rằng thơ văn miền Nam thời Việt Nam Cộng Hoà cũng “máu me” lắm chứ chẳng nhân bản, nhân văn gì. Theo Giáo sư Tuấn, “S tht có l không phi vy, mà ch là mt sba đặt trong mt cun tiu thuyết, cuốn Ván Bài Lật Ngửa ca tác gi Nguyn Trương Thiên Lý” (tức nhà văn, nhà biên khảo, Ủy viên Tuyên huấn Trung ương Trần Bạch Đằng). Giáo sư Tuấn cho biết là câu ấy không có trong bài “Lửa từ bi” của Vũ Hoàng Chương, và chụp lại bài thơ “Từ đây” trong tập thơ Hoa Đăng của thi nhân họ Vũ (Sài Gòn : Văn Hữu Á Châu, 1959) để chứng minh rằng câu thơ ghê gớm ấy cũng không có trong đó:

Một người bạn yêu thơ, nhà phê bình văn học Trần Mạnh Toàn, lục tìm trong các số nguyệt san Tin Sách còn giữ được, và phát hiện trong Tin Sách số 3, xuất bản tháng 9 năm 1962, có một bài điểm sách của Nguiễn Ngu Í (nhưng chỉ ký là Nguiễn), nhận xét về tập thơ Độc Hành Ca của Lý Quốc Sỉnh. Theo Nguiễn Ngu Í, trong Độc Hành Ca có câu thơ nói trên. Tin Sách là một nguyệt san do Trung Tâm Văn Bút Việt Nam xuất bản, nhằm liệt kê và giới thiệu những tác phẩm mới. Số 3, phát hành tháng 9-1962 thuộc “Năm Thứ Ba, Bộ Mới” của nguyệt san này. Trong bài điểm sách, Nguiễn Ngu Í cho biết tập Độc Hành Ca của Lý Quốc Sỉnh do tác giả tự xuất bản tại Sài Gòn năm 1962.

Nhờ một người bạn, người viết những dòng này nhận được một bản chụp của tập thơ ấy. Câu thơ được gán cho Vũ Hoàng Chương nằm trong bài “Lưu vong khúc,” in ở các trang 61-62. Toàn bài gồm 16 câu, chia làm 4 khổ, mỗi khổ 4 câu, với khổ cuối như sau:

Hẹn một ngày mai về cố đô,
Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ,
Châu thành bừng nở hoa nòng súng,
Tẩy mắt xanh rầu hận tái-nô.

Trong bài điểm sách, Nguiễn Ngu Í cho biết tập Độc Hành Ca của Lý Quốc Sỉnh do tác giả tự xuất bản tại Sài Gòn năm 1962. (Hình: Nguyên Bình)
Trong bài điểm sách, Nguiễn Ngu Í cho biết tập Độc Hành Ca của Lý Quốc Sỉnh do tác giả tự xuất bản tại Sài Gòn năm 1962. (Hình: Nguyên Bình)

Tuy chứa câu “lưỡi lê no máu,” đoạn thơ trong bài “Lưu vong khúc” của Lý Quốc Sỉnh và những câu trong Ván Bài Lật Ngửa của Nguyễn Trương Thiên Lý khác nhau rất xa.

Trong tập Độc Hành Ca của Lý Quốc Sỉnh. Tài liệu do Nguyên Bình cung cấp.
Trong tập Độc Hành Ca của Lý Quốc Sỉnh. Tài liệu do Nguyên Bình cung cấp.

Lá phiếu trưng cầu, một hiển linh.
Đốt lò hương gửi mộng bình sinh
Từ nay trăm họ câu hoan lạc
Đàn khúc đầm Dao, rượu chén Quỳnh.

Có một ngày ta trở lại Cố Đô
Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ
Trên tầng chí sĩ bàn tay vẫy
Đại định Thăng Long, một bóng cờ.

(Theo cuốn Ván Bài Lật Ngửa của Nguyễn Trương Thiên Lý)

Chúng ta thấy trong cuốn tiểu thuyết Ván Bài Lật Ngửa, Nguyễn Trương Thiên Lý (tức Trần Bạch Đằng) đã chỉ lấy một câu từ bài “Lưu vong khúc” của Lý Quốc Sỉnh. Ông đổi câu trước cho trở nên lủng củng, trúc trắc hơn, dẫn ra một câu đích thực của Vũ Hoàng Chương (Lá phiếu trưng cầu, một hiển linh), rồi bịa thêm 5 câu khác, nhất là 2 câu cuối với lời mang vẻ xu nịnh, ghép lại với nhau thành 8 câu để gán cho Vũ Hoàng Chương.

Câu “Lưỡi lê no máu …” của Lý Quốc Sỉnh thực sự gớm ghiếc, nhắc chúng ta nhớ đến một bài quốc ca đã khiến nhiều người kinh hoàng (“Thề phanh thây uống máu quân thù”). Khi nhận xét về tập Độc Hành Ca, Nguiễn Ngu Í đã viết, “Nếu sau này, người tránh được những lời quá thô, quá bạo, … những lời to lớn, thì có lẽ người sẽ làm quà cho chúng ta những vần thơ điêu luyện hơn, dễ mến hơn” ¹. (Ở một số câu khác trong Độc Hành Ca, Lý Quốc Sỉnh cũng dùng những từ sống sượng như: “Hút cho ỉa khói đêm nay nhé”).

Lý Quốc Sỉnh là một luật gia được nhiều người biết ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông từng làm Ủy viên công tố, sau hành nghề luật sư. Nhưng tập Độc Hành Ca của ông không được nhiều người biết tới. Trần Tuấn Kiệt không nhắc đến ông trong Thi Ca Việt Nam Hiện Đại. Không có dòng nào về ông trong các tuyển tập về Thơ Miền Nam do Thư Quán Bản Thảo ấn hành. Võ Phiến và Nguyễn Vy Khanh cùng không đề cập đến ông trong các bộ biên khảo về Văn học miền Nam 1954-1975 của các vị. Độc Hành Ca do ông tự xuất bản, có lẽ chỉ để tặng một số người thân. Nguiễn Ngu Í biết đến và viết lời giới thiệu, có lẽ vì ông đã gửi một bản tặng Trung Tâm Văn Bút.

Thử cố tìm hiểu tại sao Lý Quốc Sỉnh lại đưa những từ ngữ quá đáng như thế vào thơ, có lẽ chúng ta có thể thấy giải đáp khi đọc đến câu chót:

Tẩy mắt xanh rầu hận tái nô.

“Tái nô” là một phần của thành ngữ “dịch chủ tái nô” (đổi chủ nhưng lại làm nô lệ). Bài thơ được làm năm 1955. Tập thơ được in ra tại miền Nam năm 1962. Trong giai đoạn đất nước chia đôi, tác giả có vẻ muốn nói: Những người cầm quyền ở miền Bắc lúc ấy tuy đổi sang chủ khác nhưng lại tiếp tục làm nô lệ.

Ở miền Nam trong những năm 1954-55, những người mới lìa đất Bắc cho biết các cuộc đấu tố thảm khốc ở ngoài đó, kể cả việc xử bắn và chôn sống những người từng là ân nhân của chế độ, là do ý muốn và áp lực của các cố vấn Trung Cộng. Dân miền Bắc bắt buộc phải treo hình các lãnh tụ Georgy Malenkov của Nga và Mao Trạch Đông của Trung Hoa. Thanh thiếu niên miền Bắc được dạy là phải “trọn đời” nhớ ơn họ. Tố Hữu từng viết:

Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi
Xta-lin.

…Ơn này, nhớ để hai vai
Một vai ơn Bác, một vai ơn Người.
Con còn bé dại con ơi
Mai sau con nhé, trọn đời nhớ Ông!

… Ông Xta-lin ơi!
Hỡi ôi Ông mất, đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười…

Và những câu:

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Xta-lin... bất diệt.

[Theo Hoàng Văn Chí. Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc (Sài Gòn, 1959), trang 22]

Có lẽ dưới mắt Lý Quốc Sỉnh, như thế là “tái nô,” đổi tình trạng nô lệ cho Pháp thành nô lệ cho Nga và cho Tàu. Theo ông, miền Bắc không còn do người Việt làm chủ nữa. Trong một bài thơ khác, bài “Lưu vong hận” (trang 63-65), ông viết “Ác quỷ đang về ngự cố đô.” Vì lý do ấy, Lý Quốc Sỉnh mong rằng khi trở về, lưỡi lê của ông sẽ “no máu” của những kẻ xâm lược từ phương Bắc.

THƠ CA MIỀN NAM TRONG GIAI ĐOẠN 1955-1960.

Trong những năm 1955-1960, xã hội miền Nam tương đối ổn định, đời sống người dân tương đối đầy đủ. Qua truyền thông, kể cả truyền thông quốc tế, dân miền Nam được biết rằng ở ngoài Bắc dân chúng sống thiếu thốn và không có tự do. Năm 1955, dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) nổi dậy chống lại chế độ và bị đàn áp tàn bạo. Trong xã hội, nhiều cảnh oan khốc, nhiều nỗi thương tâm được hé lộ qua thơ của Hoàng Cầm:

Nào người quả phụ trắng khăn tang
Nào đứa em mồ côi khát sữa
Nào ai sống nhục, thác oan
Nào ai tan lìa đôi lứa …

Hay của Trần Dần:

Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
Trên màu cờ đỏ.

Trong Nam cũng được biết rằng ở ngoài Bắc, những trí thức, văn nghệ sĩ có khí tiết như cụ Phan Khôi, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, các nhà thơ Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán … bị áp chế tàn nhẫn, rằng Hữu Loan, Quang Dũng, tuy có công với kháng chiến và có trình độ học thức khá cao, người phải đi thồ đá, người phải vá lốp xe bên lề đường Hà Nội và luôn luôn đói ăn. Trong thơ ca miền Nam hồi ấy rất nhiều bài hướng về miền Bắc với tâm ý xót xa, như bài “Lá thư về làng” của Thanh Bình:

Từ Tiền Giang, thương qua đèo Cả thương sang,
Đêm đêm nhìn vầng trăng sáng,
Thương những già hôm sớm lang thang.

Em thơ ơi, có còn học hành sớm tối?
Áo nâu tươi, gái làng còn che môi cười?
Và đàn bò, còn nghe chim hót lưng đồi?
Nhớ nhung rồi, thương quá lắm bé thơ ơi!

Hay bài “Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội,” thơ của Hoàng Anh Tuấn, nhạc của Phạm Đình Chương:

Mưa ngày nay
Như lệ khóc phần đất quê hương tù đày

… Năm cửa ô sầu hắt hiu trong ngục tù

Đau lòng Tháp Rùa
Thê Húc bơ vơ
Thành đô xác xơ …

Đọc các tập báo Xuân của một số trường Trung học ở miền Nam trong giai đoạn ấy, chúng ta có thể thấy những vần thơ học sinh với nhận thức không xa nhận thức của Lý Quốc Sỉnh. Tuy nhiên các tác giả, học sinh Việt tại miền Nam, không dùng những ngôn từ sắt máu như ông.

Trên một tập báo Tết của học sinh trường Nguyễn Trãi (trong những năm 1954-60 là một trường Trung học Đệ Nhất cấp - cấp 2 ở Sài Gòn), một học sinh lớp Đệ Tứ (lớp 9) đã mượn lời “Bình Ngô đại cáo” để phê phán các nhà cầm quyền miền Bắc như sau:

Vì họ Hồ chính sự phiền hà
Khiến trong nước lòng người oán giận
“Mao Tụt Lông” đã thừa cơ tứ ngược
“Phạm Khô Đồng” còn cắt nước cầu vinh …

Một bài khác:

Đọc sử thời Trịnh Nguyễn
Em giận buồn Linh Giang
Mà nay dòng Bến Hải
Đôi bờ ngăn giang san.

Trách người sao dại thế?
Nghe thù, hại nước ta.
Thương triệu người áo vải
Đau xót lìa quê cha…

Một nữ sinh Đệ Nhị cấp (cấp 3) của trường Trưng Vương tại miền Nam có mơ ước:

Bâng khuâng nhặt lá tàn đông rụng
Mộng mấy lần Trưng Triệu giá voi
Mở lối hân hoan về xứ cũ
Theo nhau lớp lớp núi thay đồi.

Nhưng khi về tới miền Bắc với khí thế đồi núi lớp lớp chạy theo (khiến “Lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông”), thì ước nguyện của cô chỉ là: thấy đất nước tươi sáng trở lại:

Hoa đăng bừng nở vui mùa hội
Nắng sáng reo cười khoe nét tươi
Bảo nhau rằng, “Gái Trưng Vương đấy
Cung kiếm về xây lại hướng đời.”

Trên một đặc san Xuân của trường Chu Văn An, một học sinh Đệ Nhị (lớp 11) coi những chàng trai miền Bắc lánh Cộng sản vào Nam năm 1954 như những chiến sĩ Lam Sơn thất trận, phải tạm nương náu ở núi Chí Linh:

Chí Linh mấy tầng vây phủ
Chập chùng muôn đám mây đen
Run run tay gươm thất thế
Tài trai đâu chịu ươn hèn.

Thế rồi dưới trăng mài kiếm
Âm thầm uất hận bao đêm
Đoàn trai sống trong lao khổ
Mười năm vững một lời nguyền.

Nhưng khi thành công, về tới đất Bắc, thì nguyện vọng của họ chỉ là:

Nước Nam có rùa Hoàn Kiếm
Nước Nam sức sống vươn lên
Nước Nam cờ Nam ngạo nghễ
Dâu xanh lúa ngát dịu hiền.

Sau mười năm “mài kiếm,” ước nguyện của họ không hề có chuyện chém giết.

Những câu từ một tập đặc san khác cũng của trường Chu Văn An tại miền Nam trong giai đoạn ấy mang ý hướng tương tự:

Có những chàng trai qua bến sông
Vành môi cắn chặt, mắt sôi dòng
Hẹn mai trở lại, mai thề lại

Cho gió tan hờn, cho nước trong.

Chúng ta không hề thấy những ngôn từ sắt máu.

Trên tạp chí Quân Đội của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhà thơ Vũ Ngọc nói thật rõ đến ý hướng chiến đấu, nhưng tuyệt không dùng những từ mang ý chém giết:

Đẹp làm sao giây phút các anh đi
Cứu giống nòi ra khỏi bước lâm nguy

Đem nhật nguyệt trả về sông núi cũ ².

Nhà thơ Thái Thủy cũng viết tương tự:

Em ơi dù cách vạn trùng
Còn sông còn núi xin đừng quên nhau.
Mặc ai chia đất, chặt cầu

Ngày về anh lấp sông sâu anh về ³.

Trong bản nhạc “Chuyến đò vĩ tuyến,” nhạc sĩ Lam Phương có niềm mơ ước:

Rồi mai đây
Quân Nam về Thăng Long

Nhưng mục đích của chuyến về chỉ là:

Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng.

Chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm là thơ ca, văn chương thời Việt Nam Cộng Hòa có tinh thần nhân đạo và nhân bản. Tính chất sắt máu, tàn nhẫn trong câu thơ của ông Lý Quốc Sỉnh là một ngoại lệ rất bất thường. Ngoại lệ ấy đã được ông Ủy viên Tuyên huấn Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam tận tình khai thác khi đem gán cho một nhà thơ hiền hòa, rất được quý mến tại miền Nam, thi sĩ Vũ Hoàng Chương.

MỘT KHÍA CẠNH TRONG THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG: PHẢN ỨNG TRƯỚC THỜI CUỘC TRONG GIAI ĐOẠN 1954-1962.

Sống ở miền Nam trong giai đoạn sau 1954, trong tâm thức Vũ Hoàng Chương có niềm ngưỡng mộ vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Qua “Bài ca bình Bắc,” một bài trường thi dài đến 97 câu được in trong Hoa Đăng, ông nhiệt liệt ca ngợi vị anh hùng đã đem quân từ Nam ra Bắc để đuổi ngoại xâm:

Người ra Bắc, oai thanh mờ nhật nguyệt
Khí thế kia làm rung động càn khôn
Lệnh ban xuống lời lời tâm huyết
Nẻo trường chinh ai dám bước chân chồn?
Gươm thiêng cựa vỏ
Giặc không mồ chôn!
Voi thiêng chuyển vó
Nát lũy tan đồn!

Vũ Hoàng Chương cho biết người được ông ngưỡng mộ là người làm “tan vía cường bang”:

Chừ đây lại đã xuân sang
Giữa cố quận một mùa xuân nghịch lữ.
Ai kia lòng có chợt mang mang
Đầy vơi sầu xứ
Hãy cùng ta ngẩng đầu lên, hướng về đây tâm sự,
Nghe từng trang lịch sử thét từng trang.

Một phút oai thần rậy sấm
Tan vía cường bang
Cho bóng kẻ ngồi trên lưng bạch tượng
Cao chót vót năm màu mây chiêm ngưỡng

Dài mênh mông vượt khỏi lũy Nam Quan.

Vũ Hoàng Chương ca ngợi Nguyễn Huệ vì theo ông, đó là người ra Bắc với mục đích đuổi quân xâm lược cho non nước thanh bình:

Nay cuộc thế sao nhòa bụi vẩn
Lũ chúng ta trên ngã ba đường
Ghi ngày giỗ trận
Mơ Bắc Bình Vương
Lòng đấy thôn trang hề lòng đây thị trấn
Mười ngả tâm tư hề một nén tâm hương
Đồng thanh rằng: Quyết noi gương!

Để một mai bông thắm, cỏ xanh rờn
Ca trống trận thôi lay bóng nguyệt
Mừng đất trời gió bụi tan cơn.

Một trong những lý do khiến những người làm công tác Tuyên huấn ở Hà Nội căm ghét Vũ Hoàng Chương vì trong khi họ bưng bít lịch sử, không dám cho học sinh miền Bắc biết là Hai Bà Trưng chống nhau với ai thì ông – công khai và minh bạch – đưa lịch sử chống ngoại xâm của dân Việt vào thơ:

Bài “Cảm đề” trong tập thơ Hoa Đăng:

Hồ đã tan thây sóng Bạch Đằng
Minh còn mất vía ải Chi Lăng
Ấy gươm Trần tướng truyền Lê đế?
Hay chỉ hồn thiêng nước Việt chăng?

Bài “Trả ta sông núi” được sáng tác từ năm 1944 nhưng được in lại trong Hoa Đăng:

Núi sông ấy của người dân Việt
Chống Bắc phương từng quyết thư hùng
Ngô Quyền đại phá Lưu Cung
Bạch Đằng Giang nổi muôn trùng sóng reo.

Cũng trong Hoa Đăng có những bài “Hát giang sóng vỗ,” “Vịnh Hai Bà Trưng,” Chiến công đời Trần” với những câu như:

Ngọn cờ Nương Tử Châu Phong
Ngàn thu núi Tản sông Hồng còn bay,
Nghe vang ngọn cỏ lá cây
Tiếng ai thét gió ngàn Tây còn truyền…

Đồng trụ tan tành lớp phế hưng
Miếu Đồng Nhân vẫn khói hương lừng
… Ngàn sau nhuệ khí con nòi Lạc
Mũi kiếm đầu voi đủ tượng trưng.

Trang sử Đông A nhược thắng cường
Đến nay càng đẹp ý treo gương
Hội Diên Hồng đó nền Dân Chủ
Sông Bạch Đằng kia hịch Đại Vương …

Những vần thơ tràn đầy cảm hứng vẫn là những câu từ bài “Trả ta sông núi”:

Chống ngoại địch gươm mài quyết chiến
Voi Quang Trung thẳng tiến kinh kỳ
Phá Thanh binh, trận Thanh trì
Sông Hồng khoảnh khắc lâm ly máu hồng.

Núi rậy sấm cho Sông lòe chớp
Cờ Tây Sơn bay rợp Bắc Hà
Xác thù xây ngất Đống Đa
Bụi trường chinh hãy còn pha chiến bào.

Tinh thần độc lập nêu cao
Sài lang kia, Núi Sông nào của ngươi?

Chúng ta có thể hiểu lý do tại sao những người cầm quyền ở Hà Nội trong giai đoạn ấy đã xốn xang, nhất quyết triệt hạ tập Hoa Đăng và giập vùi tên tuổi Vũ Hoàng Chương. Nhiều phần bài công kích và xuyên tạc Chế Lan Viên đưa ra không nằm ở bên ngoài chủ trương ấy.

BẢN CHẤT GIÀU TÌNH CẢM VÀ NIỀM KHAO KHÁT, HƯỚNG VỀ TUYỆT ĐỐI CỦA VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Là một thi sĩ giàu tình cảm, Vũ Hoàng Chương có những xúc động mạnh theo từng cảnh ngộ khác nhau. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông nhiệt thành ca ngợi cuộc kháng chiến ấy. Những câu sau từ bài “Mơ về Hà Nội vàng son”:

Ai có nghe chăng tự Kiếm hồ
Vọng về trong mấy lớp vi lô
Tiếng muôn trùng sóng đang gào thét
Đòi trả huy hoàng cho cố đô?
… Trỏ ngọn cờ sao gắng tiến lên
Quét loài lang sói khỏi Long Biên.

Trong giai đoạn đất nước mới chia cắt với tình trạng miền Bắc đáng lo buồn như vừa trình bày trên, ông ngưỡng mộ một Quang Trung ra Bắc đuổi quân xâm lược với khí thế làm “rung động càn khôn.”

Năm 1963 trong hoàn cảnh hỗn loạn ở miền Nam, trước những tin và hình ảnh nhiều nữ sinh Phật tử tự thiêu hay tự chặt tay, ông xót xa trong bài “Lửa, lửa, và lửa,” sau được in trong tập thơ Bút Nở Hoa Đàm (1967):

Vừa mới hôm nào lửa Yến Phi
Bay lên nối cánh lửa Từ Bi
Giờ đây lại nỗi lòng dân Việt
Đau xé trời Nam lửa Nhất Chi.

Cuộc chiến đưa tới chuyện môi sinh bị tàn phá, nhiều nạn lụt lớn liên tiếp xảy ra ở miền Trung, ông viết trong bài “Thảm cảnh bão lụt,” sau được in trong Ánh Trăng Đạo Lý (1966):

Tiếng khóc hài nhi nước cuốn trôi
U ơ còn tưởng vẫn nằm nôi.

Sau năm 1968, chiến tranh tăng cường độ, học sinh miền Nam (trong đó có nhiều học sinh của chính ông) nếu thi trượt sẽ phải nhập ngũ, ông lại buồn bã viết trong bài “Chơi xuân,” sau được in trong tập Tân Thi (Nouveaux Poèmes, 1970):

Bao nhiêu chàng trai ra đi
Bấy nhiêu cô gái đến thì hỏi xuân:
Hết quan tàn mấy miền dân
Cớ sao còn chẳng kéo quân vơ về?

Cuộc chiến tranh gieo thêm nhiều tang tóc, cả hai miền đất nước cùng bị tàn hại, Vũ Hoàng Chương buồn vì hai phía của dân tộc cùng bị lợi dụng, say mê những danh hiệu hão, lao vào chém giết nhau vì mục đích và quyền lợi của người ngoài. Ông viết trong bài “Nhâm Tý khai bút” đầu năm 1972:

Trường chinh mộng hậu tức phong yên
Thiên lý long câu, vạn lý thuyền
Hốt ngộ tiền thân nhất yển thử
Ẩm hà mãn phúc túy xuân thiên.

(Sau giấc mộng trường chinh, khói lửa đốt để làm hiệu đã tắt
Một con “thiên lý long câu” [ngựa hay, mỗi ngày đi ngàn dặm] và một chiếc “vạn lý thuyền” [thuyền tốt, có thể vượt vạn dặm]

Chợt nhận ra tiền thân của mình: vốn là một con chuột
Uống nước sông đầy một bụng [ngụ ý uống thỏa thích], say với trời xuân).

Ông đã tự dịch:

Giấc mộng trường chinh lửa ngút mây
Tỉnh ra ngựa đấy với thuyền đây
Nhìn nhau chuột nhỏ tung tăng dạo
Vừa uống sông xuân một bụng đầy.

Bài thơ trên sau được in lại trong Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau (1974).

Vũ Hoàng Chương nhìn nhận: Sở dĩ có những cảm xúc “thế tục” như thế vì tấm lòng của ông khi sống giữa cõi người:

Nhắn ra muôn dặm, về muôn thuở
Vì cái Tâm nên lụy cái Hình.

Hai câu trên từ bài “Dư ba,” được in lần thứ nhất trong Lửa Từ Bi (1963), và in lại trong Bút Nở Hoa Đàm (1967).

Bản chất thật của Vũ Hoàng Chương là luôn luôn khao khát, hướng về cõi Tuyệt Đối. Ông băn khoăn về ý nghĩa của cuộc đời như đã viết trong “Bài ca siêu thoát” (Rừng Phong, 1954):

Trải mấy hoang mang tìm kiếm
Lòng sao khát mãi chưa vừa
Đôi lẽ Có Không mầu nhiệm
Đêm đêm ta hỏi người xưa.
… Phải chăng muôn kiếp nặng nề
Từ Hư Không tới, lại về Không Hư
Lẽ nào mộng cả thôi ư?
Người ơi! giọt bể chứa dư tang điền.

Một trong những bài được ông ưng ý nhất là bài thơ không đề:

Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người
Sên bò nát óc, máu thầm rơi
Chiều nay một dấu than buông dứt
Đinh đóng vào săng, tiếng trả lời.

Một trong những bài được ông gửi nhiều tâm ý là bài “Nguyện cầu,” bài thơ mở đầu tập Rừng Phong:

Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước, xa xôi dặm về
Trông ra bến hoặc, bờ mê
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương
Ta van cát bụi trên đường
Dù nhơ, dù sạch đừng vương gót này
Ðể ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời.

Ta van cát bụi trên đường // Dù nhơ, dù sạch đừng vương gót này (Hình: Lê Văn Tư)
Ta van cát bụi trên đường // Dù nhơ, dù sạch đừng vương gót này (Hình: Lê Văn Tư)

Ông đã bộc bạch:

Thơ ta chẳng viết cho đời
Không vang nhịp khóc dây cười nào đâu

Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ Quê dằng dặc ta cầu đó thôi.

Một người coi nhẹ thế tục, sống với tâm linh và luôn luôn trầm mặc, suy tư như Vũ Hoàng Chương, khó có thể thành một người quá khích. Và một khi không quá khích, khó có thể giết những người không có niềm suy nghĩ giống mình.

Vũ Hoàng Chương cũng đã tự giới thiệu khi đến thăm phế tích Acropolis ở Hi Lạp mà ông gọi theo tiếng Pháp là Acropole:

Thi sĩ Việt trong tay không tấc sắt
Chưa giết một ai trên nẻo luân hồi
Vàng-hoen-máu chưa một lần để mắt
Acropole, ta đã hiểu lòng ngươi!

Những câu trên từ bài “Bí mật Acropole,” sau được in trong Cành Mai Trắng Mộng (1968).

Năm 1965, kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du (1765) trong khi cuộc chiến huynh đệ đang tăng phần khốc liệt, ông xót xa viết trong bài “Ngấn lệ trăng soi,” sau được in trong Cành Mai Trắng Mộng (1968):

Tiếng thơ từ buổi lên đường
Gươm đàn chắp cánh, đoạn trường ra khơi
Mang mang rốn biển chân trời
Quặn đau ruột đất, rã rời vòng sao

Mở hai thế kỷ nghe vào
Xương khô lỗi nhịp, máu đào còn căm…

Tha thiết thốt lên những lời thơ ai oán như thế, ông khó có thể là một người vui với chuyện chém giết.

Trong bài “Đuốc thơ” in trong Hoa Đăng, tuy rất buồn trước cảnh:

Non sông một thuở nằm tanh máu
Lửa khét oan cừu đỏ bốn phương

và than thở:

Có ai đau nỗi đau trời đất
Buồn nỗi buồn thiêng của núi sông?
Ta nhớ thương hồn hoa cỏ mất
Theo làn mây nhẹ ánh trăng trong
.

Ông đã minh xác:

Mặc cho những kẻ mài gươm sắc
Ta chỉ mài riêng ngọn bút này.

Ông cho biết với ngọn bút, ông sẽ cố gắng:

Sao cho cái Đẹp, từng nhơ nhuốc
Vì lũ điên rồ, lại thắm tươi.
Bàn tay Nghệ Thuật nêu cao đuốc
Thiêu sạch lòng tham hộ Giống Người.

Vũ Hoàng Chương mơ ước:

Năm tháng rồi đây sẽ Thuấn Nghiêu
Đầy xuân đầy nhạc đắm tình yêu
Non sông trời đất khô nguồn lệ
Hoa cỏ mây trăng lại diễm kiều.

Khi nhắm mắt năm 1976, Vũ Hoàng Chương chưa đạt được ước nguyện ấy. Nhưng ôm ấp những ước vọng đẹp đẽ, hiền hòa như thế, ông không thể là một người tàn bạo, “khát máu” như những lời không đúng sự thật của Trần Bạch Đằng.

Dùng những thủ đoạn xuyên tạc hay bịa đặt, tuy chỉ có thể lừa mọi người một thời gian, nhưng cũng đủ để những nhân vật như Trần Huy Liệu, Trần Bạch Đằng ... gây nên bao nhiêu tội ác. Vũ Hoàng Chương không phải là nạn nhân duy nhất của những người Cộng sản. Trong gần một thế kỷ qua, bao nhiêu người có chút danh tiếng hay tài sản, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ có khí tiết và lương tâm ở miền Bắc sau năm 1945, nhất là sau năm 1954, đã là nạn nhân đáng thương của những thủ đoạn ấy. Đúng như tiền nhân đã nói, "Cái kim bọc trong giẻ lâu ngày cũng lòi ra," hay "Cát bay vàng lại ra vàng." Sẽ tới một ngày dân Việt Nam đủ trưởng thành để thấy ân hận là trong quá khứ, đã có lúc quá tin những con người dối trá và vô tình đồng lõa với tội ác.

CHÚ THÍCH

  1. Nguiễn. “Những tập thơ trong tháng.” Nguyệt san Tin Sách (Sài Gòn : Trung Tâm Văn Bút Việt Nam). Số 3, tháng 9-1962, trang 15-17.
  2. Phạm Văn Sơn. “Thuyết trình về văn nghệ trong quân đội xưa và nay.” Trong Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc 1957 (Sài Gòn : [Bộ Thông Tin VNCH], 1957), trang 232.

3. --------------------. Tài liệu đã dẫn, trang 236.

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG