Quân đội Thái Lan đầu tuần này đã thông qua dự án với kinh phí 23 tỷ đô la để nâng cấp hệ thống xe lửa quốc gia trong vòng 8 năm. Các chỉ trích đối với chính phủ và các chính sách của họ đã bị chặn lại kể từ khi chính quyền ngăn cấm ý kiến bất đồng của công chúng. Nhưng theo thông tín viên VOA Ron Borben, một cựu bộ trưởng tài chính cảnh báo rằng chính quyền quân nhân đang tập trung quá mức vào cải cách kinh tế.
Chương trình chi tiêu 23 tỷ đô cho cơ sở hạ tầng được công bố đầu tuần này đánh dấu một bước nữa của chính quyền quân sự Thái Lan trong việc đẩy mạnh và củng cố nền kinh tế.
Chương trình kéo dài 8 năm này nhằm nâng cấp hầu hết toàn bộ mạng lưới tàu, bao gồm cả hệ thống tàu cao tốc mà dự kiến sẽ kết nối Trung Quốc với các vùng công nghiệp giáp biển phía đông và các khu vực đông bắc của Thái Lan.
Nhà kinh tế học của Ngân hàng Phát Triển Châu Á (ADB), Luxman Attapich, nói các kế hoạch này cho thấy các giới chức đang chuẩn bị thế nào cho việc thành lập Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN (gọi tắt là AEC) vào năm 2015, theo đó các rào cản về kinh tế sẽ được rỡ bỏ để tăng cường liên kết kinh tế giữa các nước Đông Nam Á.
Ông Attapich nói: “Chính quyền quân sự và những người cố vấn cho của họ đánh giá rất cao mối liên kết này. Lý do không chỉ bởi AEC mà còn bởi họ muốn phát triển các vùng kinh tế giáp biên và kết nối các khu vực chưa được khai thác với các nước láng giềng. Họ cũng bàn thảo việc kết nối hệ thống tàu lửa này với Trung Quốc, do đó nó thực sự vượt ra ngoài AEC. Họ đang suy tính về sự hợp tác khu vực và sự kết nối trong đó.”
Kể từ khi lên nắm quyền vào ngày 22 tháng 5 sau nhiều tháng rối loạn chính trị, quân đội đã đẩy mạnh liên kết kinh tế và kinh doanh với Trung Quốc đồng thời tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gạo, theo các giao kèo ở cấp chính phủ.
Chính quyền dân sự trước đó của Thủ Tướng Yingluck Shinawatra cũng đưa ra dự luật chi tiêu dành cho giao thông. Nhưng chương trình trị giá 65 tỷ đô la bị chỉ trích vì thiếu minh bạch và tòa án sau đó đã làm mất hiệu lực dự luật này.
Ông Adrian Dunn, giám đốc kinh doanh của tập đoàn quản lý đầu tư Tư Vấn Tài Sản Brooker Dunn, nói tại một hội nghị kinh tế rằng nhiều người hy vọng quân đội sẽ đảm bảo minh bạch hơn trong việc giám sát các dự án.
Ông Dunn cho biết: “Cái mà mọi người đang nhận thấy được thực sự là họ có thể có những kế hoạch hợp lý cho nền kinh tế trong đó bạn có thể chi ví dụ như ít hơn 20 phần trăm vào cơ sở hạ tầng và thu nhiều hơn 10 phần trăm nếu bạn không chi 45 phần trăm vào các khoản đút lót.”
Quân đội đã đặt chấn hưng kinh tế làm một ưu tiên lớn sau khi Thái Lan rơi vào khủng hoảng kinh tế trong quý đầu năm 2014, giữa lúc lòng tin của giới đầu tư bị giảm sút vì những vụ tranh chấp chính trị và các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Tuy nhiên, ông Korn Chatikavanij, một vị cựu bộ trưởng tài chánh trong chính phủ do Đảng Dân Chủ lãnh đạo cho tới năm 2011, nói công việc chính của tập đoàn quân nhân là bảo đảm ổn định chính trị chứ không phải kinh tế trước cuộc tổng tuyển cử.
Ông Chatikavanij nhận định rằng: "Có một sự lôi cuốn rất lớn cho khu vực tư lẫn những người nắm quyền để họ tìm cách thúc đẩy cho tất cả những loại dự án rất lớn. Việc đó cũng tốt thôi, nhưng tôi không nghĩ rằng đó là việc sử dụng tốt nhất thời giờ của họ. Tôi không nghĩ rằng công việc của họ là đưa ra những quyết định về kinh tế. Công việc của họ là sửa chữa một hệ thống chính trị không phát huy chức năng."
Mặc dù vậy, quân đội đang xúc tiến kế hoạch chi tiêu với việc mua các đầu máy xe lửa mới, thực hiện những dự án nâng cấp xa lộ và xây dựng những tuyến xe lửa điện ở Bangkok.