Đường dẫn truy cập

Tập Cận Bình thăm Philippines: Bàn kinh tế, tránh tranh chấp Biển Đông


Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) bắt tay Tổng thống Rodrigo Duterte trong cuộc họp ở Bắc Kinh ngày 15/5/2017.
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) bắt tay Tổng thống Rodrigo Duterte trong cuộc họp ở Bắc Kinh ngày 15/5/2017.

Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Philippines trong tháng này báo hiệu sẽ có thêm viện trợ phát triển và tiến triển trong việc thăm dò nhiên liệu dưới đáy biển cho nước chủ nhà đang trong quá trình cải cách kinh tế.

Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc đến thăm Philippines kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte đắc cử vào năm 2016. Ông Duterte đã gây bất bất ngờ cho phương Tây và phần lớn dân chúng sau khi lên nhậm chức bằng cách cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh và Manila trước đó từng tranh cãi gay gắt về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Vì hiện hai bên thường tránh nói về tranh chấp hàng hải, nên các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tập trung vào việc Trung Quốc có thể giúp cho Philippines xây dựng đường sắt, cầu và các cơ sở hạ tầng khác như thế nào. Các dự án này nằm trong Chính sách 5 năm của ông Duterte, trị giá 169 tỷ đôla có tên “Xây dựng, xây dựng, xây dựng”.

Theo một số học giả, hai lãnh đạo cũng có thể sẽ công bố những tiến triển cũng như việc thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông.

“Hai chính phủ sẽ ký nhiều thỏa thuận, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng để ủng hộ cho chính sách ‘Xây dựng, xây dựng, xây dựng’ của chính phủ Philippines và các thỏa thuận khác như khả năng thăm dò chung”, bà Maria Ela Atienza, giáo sư chính trị tại Đại học Philippines Diliman, nói.

Tiền cho cơ sở hạ tầng mới

Trung Quốc cam kết viện trợ phát triển và đầu tư 24 tỷ đôla vào năm 2016 khi ông Duterte lần đầu tiên đến Bắc Kinh. Trung Quốc đã mở rộng viện trợ và đầu tư vào phần lớn châu Á, một phần trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” để mở các tuyến thương mại thế giới bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng.

Khi ông Tập đến thăm Philippines vào một ngày không được thông báo trước sau ngày 18/11, ông và ông Duterte sẽ ký một thỏa thuận vay 3,3 tỷ đôla để giúp xây dựng một tuyến đường sắt phía đông nam, từ Manila đến bán đảo Bicol, truyền thông trong nước cho biết. Dự án là một phần trong chương trình đổi mới cơ sở hạ tầng trị giá 169 tỷ đôla của ông Duterte cho đến năm 2022.

Trung Quốc cũng dự kiến sẽ tài trợ một tuyến đường sắt trị giá 606 triệu đôla trên đảo Mindanao, một vùng nghèo đói nhưng có nguồn tài nguyên dồi dào.

Philippines đang muốn có các tuyến đường sắt, sân bay và cảng biển mới để kích thích đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư rất thích lao động giá rẻ và kỹ năng tiếng Anh của người lao động Philippines, nhưng thường bỏ qua nước này vì chi phí vận chuyển và dịch vụ chung cao.

Thăm dò dầu khí

Hai chính phủ đã đàm phán rất nhiều trong năm nay về một thỏa thuận thăm dò dầu khí chung ngoài khơi bờ biển đảo Palawan, Philippines. Philippines hy vọng sẽ phát triển nhiên liệu dưới đáy biển và giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu ngày càng tốn kém, một yếu tố của tình trạng lạm phát kể từ hồi tháng Tám.

Các nhà kinh tế cho rằng Philippines cần chuyên môn và đầu tư nước ngoài để có thể trích xuất nhiên liệu từ dưới đáy biển.

Trung Quốc hy vọng việc thăm dò chung sẽ thúc đẩy hình ảnh “láng giềng tốt” của mình ở châu Á, sau khi cảnh báo Philippines và 5 chính phủ khác trong nhiều năm qua việc mở rộng quân sự ở khu vực biển tranh chấp, theo các học giả về hàng hải. Các quốc gia khác đôi khi chuyển hướng sang đối thủ của Trung Quốc là Hoa Kỳ để được hỗ trợ mỗi khi lo lắng về sự bành trướng của Trung Quốc.

Bộ trưởng ngoại giao Philippines được dẫn lời hôm 31/7 nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng nhận 40% cổ phần trong bất kỳ phát hiện về nhiên liệu nào ở Biển Đông, nơi hai nước tranh chấp chủ quyền.

Hai lãnh đạo có lẽ sẽ thảo luận về việc thăm dò, bao gồm một số bước đột phá trong thỏa thuận mà không đụng chạm đến vấn đề chủ quyền, theo ông Ramon Casiple, Giám đốc điều hành của Viện cải cách chính trị và bầu cử ở Manila.

“Chủ đề cụ thể mà tôi nghĩ sẽ nhiều hơn là việc đảm bảo các thỏa thuận và cách thực sự hợp tác liên quan đến Biển Đông và các khu vực khác”.

Một số người Philippines muốn các lãnh đạo đề cập đến việc tàu các Trung Quốc quấy rối trong khu vực biển tranh chấp, bà Atienza cho biết. Nhưng theo bà, ông Duterte có chính sách tránh vấn đề tranh chấp chủ quyền trong các giao dịch với Trung Quốc.

Kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975, đây là lần thứ tám một lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Philippines, theo số liệu của chính phủ Philippines.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG