Nhà báo Phạm Đoan Trang cùng hai nhà hoạt động cho quyền đất đai, Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm, sẽ được đưa ra xét xử trong các phiên toà riêng biệt vào đầu tháng sau tại Hà Nội, theo Luật sư Đặng Đình Mạnh.
Ông Mạnh, người sẽ bào chữa cho bà Trang và ông Phương, hôm 18/10 cho VOA biết rằng trước đó trong ngày, ông đã nhận được văn bản thông báo của Toà án Hà Nội về việc xét xử ông Phương cùng bà Tâm vào ngày 3/11, và bà Trang trong một phiên toà khác vào ngày 4/11.
Bà Trang, người từng là phóng viên cho báo nhà nước và là tác giả nhiều cuốn sách trong đó có “Chính trị Bình dân”, bị bắt cách đây hơn 1 năm tại TP HCM với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam.
Giấy triệu tập của Toà án Nhân dân TP Hà Nội gửi cho LS Mạnh, thuộc đoàn luật sư TP HCM, để tham dự vụ xét xử ngày 4/11, mà VOA được xem, cho biết bà Trang “bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội ‘Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo khoản 1 điều 88 Bộ luật Hình sự.” Điều 88 trong BLHS 1999 sau này trở thành điều 117 trong BLHS 2015.
LS Mạnh nhận bào chữa cho bà Trang vì theo ông cho biết nhà báo tự do, từng được tổ chức Phóng viên Không Biên giới trao giải Tự do Báo chí, đã đề nghị ông làm luật sư trong trường hợp “xa vào vòng lao lý.”
Tuy nhiên, LS Mạnh cho biết ông chưa bao giờ được gặp thân chủ của mình kể từ khi nhận bào chữa cho bà Trang từ tháng 10 năm ngoái.
“Từ ngày chúng tôi làm thủ tục bào chữa cho đến thời điểm này thì tôi chưa hề được cơ quan điều tra hoặc các cơ quan tố tụng tạo điều kiện để tiếp xúc với thân chủ của mình,” LS Mạnh nói.
Vị luật sư thường tham gia bảo vệ cho các nhà bất đồng chính kiến cho biết rằng ông lo ngại không đủ thời gian để tiếp cận hồ sơ vụ án và thân chủ, đặc biệt trong bối cảnh có những hạn chế về đi lại và tiếp xúc do COVID-19.
“Nếu không chúng tôi sẽ đành làm thủ tục xin đề nghị toà án cho hoãn phiên toà lại một thời gian, khoảng 3-4 tuần, và với thời gian như vậy chúng tôi có thể chuẩn bị cho vụ án tốt hơn,” LS Mạnh nói và cho biết rằng ngoài ông, còn có 6 luật sư khác, từ cả Hà Nội và TPHCM, sẽ tham gia bào chữa cho bà Trang.
Trong vụ xét xử dự kiến diễn ra vào ngày 3/11, LS Mạnh sẽ bào chữa cho ông Phương. Ông Phương và bà Tâm là những người lên tiếng mạnh mẽ vụ đột kích gây chết chóc của hàng nghìn cảnh sát cơ động vào làng Đồng Tâm hồi tháng 1/2019. Hai người này bị bắt vào tháng 6 năm ngoái và cũng bị tạm giam từ đó đến nay trong lúc cảnh sát tiến hành điều tra.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm của TAND TP Hà Nội mà VOA được xem cho biết ông Phương và bà Tâm cũng bị cáo buộc tội danh tương tự như bà Trang. Họ bị Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội truy tố về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 BLHS 2015.
“Có hai điều luật trong BLHS là điều 331, đó là ‘Lợi dụng quyền tự do dân chủ,’ và điều 117, điều luật thường hay được gọi với tên ngắn là ‘tuyên truyền chống nhà nước’, theo tôi lẽ ra không nên có trong bộ luật hình sự,” LS Mạnh nói. “Bởi vì hai điều luật này vô hình chung phủ nhận quyền tự do ngôn luận mà hiến pháp quy định. Mọi sự phê bình, chỉ trích hay phân tích về những chính sách thì tôi nghĩ rằng bất kỳ một người dân nào cũng có quyền làm điều đó và nhà nước cũng nên khuyến khích điều đó.”
Các điều khoản này cũng thường bị các nhà hoạt động dân chủ và các tổ chức nhân quyền lên án là một công cụ để nhà cầm quyền sử dụng nhằm đàn áp các tiếng nói bất đồng với Đảng Cộng sản.
Truyền thông nhà nước Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái cho rằng bà Trang bị bắt vì có “mối liên hệ mật thiết với các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân và VOICE. Vẫn theo báo chí chính thống của Việt Nam, ông Phương và 3 người khác, gồm mẹ và anh trai, bị bắt vì “phát tán các video clip, bài viết có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nhằm mục đích chống phá nhà nước.”
Nhiều tổ chức và chính phủ quốc tế trong hơn một năm qua cũng đã kêu gọi trả tự do cho bà Trang cũng như ông Phương cùng những người dân làng Dương Nội khác, gồm bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư, bị bắt và xử phạt tù giam trong các phiên toà khác nhau.