Các thị trường tài sản thế chấp trên thế giới sụt mạnh vào lúc Lehman Brothers, một ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ, khai phá sản để trốn nợ và Bank of America mua lại Merrill Lynch, công ty môi giới cho vay tiền lớn nhất ở Hoa Kỳ. Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 500 điểm, tức là 4,5%, theo ghi nhận của thông tín viên đài VOA Barry Woods trong bài tường trình sau đây.
Hôm qua là một ngày đầy xáo động ở Phố Wall, khi mà Lehman Brothers không tìm được đối tác để hợp nhất và tìm cách trốn nợ theo luật khai khánh tận của Hoa Kỳ. Công ty ở New York này có 25 ngàn nhân viên trên toàn thế giới. Các chuyên gia phân tích cho rằng có nhiều phần chắc là các cổ đông của công ty sẽ bị phá sản và những người mua trái phiếu của công ty có thể chỉ nhận được 60% số tiền mà họ đầu tư.
Lehman bị sập tiệm sau 3 ngày họp dưới sự chủ tọa của Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Quỹ Dự trữ Liên bang, tức ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ, không tìm ra được một đối tác hợp nhất cho công ty.
Trong mấy tháng vừa qua, Lehman Brothers đã phải chịu đựng những thất thu do thị trường nhà đất yếu kém ở Hoa Kỳ. Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ Henry Paulson nói rằng chính phủ không muốn dùng tiền của người thọ thuế để cứu Lehman như đã làm với công ty đối thủ là Bear Stearns cách đây 6 tháng.
Chuyên gia phân tích Peter Wallison thuộc Viện Kinh Doanh Mỹ ở thủ đô Washington ca ngợi việc chính phủ từ chối không chịu cứu Lehman.
Ông Wallison nói: “Nếu để cho Bear Stearns sụp đổ hồi tháng 3 thì ảnh hưởng tâm lý đối với thị trường sẽ vô cùng lớn lao và có thể sẽ xảy ra hiện tượng các cơ chế bị sụp đổ nhanh chóng. Sự khác biệt đối với Lehman hôm nay, theo quan điểm của tôi, là người ta đã đặt nhiều tin tưởng hơn vào các cơ chế đó.”
Bà Meredith Whitney, một chuyên gia phân tích về chứng khoán tại công ty Oppenheimer ở New York, nói rằng cuộc khủng hoảng tín dụng đã kéo dài 13 tháng nay chưa chấm dứt. Bà cảnh báo rằng sự sụp đổ của Lehman có thể rút những khoản tiền khổng lồ ra khỏi nền kinh tế thế giới.
Bà Whitney nói: “Biến cố này gây tổn hại trên toàn cầu. Điều quan trọng nhất là nó rút vốn luân lưu ra khỏi nền kinh tế toàn cầu. Vì thế, hiện thời, số thanh khoản luân lưu qua thị trường ít hơn 3,000 tỷ đôla so với năm ngoái.”
Bà Whitney nói rằng sự chấn động ở Phố Wall sẽ kéo chậm đà sinh hoạt kinh tế trên khắp thế giới. Cổ phần của các cơ quan tài chính lớn của Hoa Kỳ sụt mạnh ngày hôm qua. Sự sụt giảm ở Phố Wall ở mức hơn 4%, với chỉ số Dow Jones ghi nhận mức sụt giảm lớn nhất trong ngày kể từ khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Các thị trường Âu Châu sụt giá khoảng 3,5%. Giá dầu cũng sụt vì dự kiến kinh tế trì trệ và nhu cầu về dầu hỏa giảm sút. Dầu được bán với giá chưa đầy 100 đôla một thùng lần đầu tiên kể từ tháng 3. Giá đầu đã giảm bớt 30% so với mức cao nhất hồi tháng 7.