Chỉ trong vòng 5 năm, VinFast đã sản xuất và đưa được ô tô điện của họ lăn bánh trên đường phố. Hãng xe điện khởi nghiệp của Việt Nam cũng đã bắt đầu xây nhà máy ở Mỹ và giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq ở New York.
Nhưng hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã gặp nhiều vấn đề trong việc mở rộng sản xuất toàn cầu, trong đó có sự đảo lộn chiến lược cùng sự ra đi hàng loạt của những lãnh đạo cấp cao. Theo mô tả của một số cựu nhân viên từ Mỹ, Việt Nam và Ấn Độ, từng làm việc cho VinFast, môi trường làm việc tại đây thường xuyên có sự thay đổi nhân viên và mục tiêu kế hoạch.
‘Áp lực cao’
Nền văn hóa làm việc “không ngừng nghỉ” và những “bất đồng” trong lựa chọn chiến lược là lý do ông Hùng* quyết định rời VinFast sau gần hai năm làm việc ở chi nhánh của công ty tại Mỹ.
Từng giữ vai trò cấp cao trong bộ phận bán hàng và tiếp thị tại VinFast Hoa Kỳ, ông Hùng cho VOA biết ông gia nhập hãng xe vì “rất hào hứng được tham gia vào dự án đầy tham vọng nhằm đưa Việt Nam nổi lên trong ngành công nghiệp ô tô và xe điện toàn cầu.”
Nhưng dù có một số khía cạnh bổ ích trong công việc, ông Hùng cho biết trải nghiệm thực tế khó khăn hơn ông dự đoán.
“Khi ở VinFast, tôi đã chứng kiến tỷ lệ thay đổi nhân viên đáng lo ngại,” ông Hùng cho VOA biết qua email. “Nhiều chuyên gia tài năng đã chọn ra đi hoặc bị sa thải.”
Còn theo lời kể của 9 cựu nhân viên với Rest of World dưới điều kiện ẩn danh do sợ bị công ty này trừng phạt, làm việc tại VinFast “không dành cho những người yếu tim.” Nói với tờ báo vốn tập trung đưa tin về công nghệ ở các nước đang phát triển, những cựu nhân viên này cho biết, từ những mục tiêu luôn thay đổi cho đến những hình phạt khắc nghiệt, nhà sản xuất xe điện Việt Nam nuôi dưỡng nền văn hóa làm việc áp lực cao mà họ cho là “bình thường hóa việc sa thải” và “kiệt sức”.
James, một cựu nhân viên đã được đổi tên do sợ bị VinFast trả thù, nói với Rest of World rằng ông đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp nước ngoài tại hãng xe nghỉ việc hoặc bị sa thải. Đến từ Mỹ, ông James gia nhập đội ngũ tiếp thị của VinFast khoảng một năm sau khi nhà sản xuất xe điện của Việt Nam sa thải một loạt giám đốc điều hành.
Giám đốc điều hành người Đức Michael Lohscheller từ chức chỉ sau 5 tháng gia nhập công ty và ít nhất bốn giám đốc điều hành hàng đầu khách cũng nhanh chóng ra đi sau đó.
Một cựu quản lý cấp trung tại nhà máy sản xuất của VinFast ở Hải Phòng, được đặt tên Thảo, cũng nói với Rest of World rằng ông chứng kiến nhiều quản lý phương Tây đã ra đi.
“Rất nhiều người đã ra đi, nhiều người đến và đi. Ai không làm được thì ra đi,” người này nói với tờ báo Mỹ.
“Kiệt sức”
“Đáng tiếc, văn hóa làm việc áp lực cao ở VinFast, như các cựu nhân viên khác mô tả, là một minh chứng chính xác,” ông Hùng nói với VOA. “Việc sa thải thường xuyên và tình trạng kiệt sức của nhân viên đã trở thành bình thường, tạo ra một môi trường căng thẳng mà cuối cùng lại phản tác dụng.”
Hồi tháng 3 vừa qua, ba giám đốc điều hành hàng đầu người Mỹ tại VinFast đã thôi việc trong cùng một tuần. Phó giám đốc điều hành phụ trách sản xuất toàn cầu của công ty, Micheal Johnson, hồi tháng 7 đã xác nhận với Rest of World rằng ông cũng đã rút lui và “không giám sát các hoạt động hàng ngày ở Việt Nam hoặc Hoa Kỳ nữa” trong khi vẫn còn là thành viên của hội đồng quản trị.
Phản hồi các câu hỏi của VOA, hãng xe điện Việt Nam nói rằng “mỗi doanh nghiệp đều có chính sách của công ty đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nơi làm việc hoạt động hiệu quả, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn như VinFast và Vingroup.” Đại diện của công ty cho biết trong một email gửi cho VOA rằng họ “tạo cơ hội cho mọi cá nhân phát triển sự nghiệp tại VinFast.”
Ông Hùng cho VOA biết, tại VinFast, ông được làm việc với “nhiều cá nhân có tay nghề cao trong ngành công nghiệp ô tô và xe điện.” Tuy nhiên theo ông Hùng, người thôi việc ở VinFast trong năm nay, “môi trường làm việc bị ảnh hưởng nặng nề bởi ban lãnh đạo người Việt Nam của công ty, trong đó các quyết định quan trọng được tập trung và phải tuân thủ tuyệt đối các chỉ thị cấp cao nhất.”
Phong cách quản lý mà ông Hùng gọi là “ra lệnh và kiểm soát” này, cùng với “sự khác biệt về văn hóa và lỗ hổng trong kiến thức bán lẻ ô tô, đã tạo ra sự phức tạp đáng chú ý.” Tuy nhiêu, ông Hùng không cho biết cụ thể sự phức tạp đó là gì.
Còn một kỹ sư người Việt từng làm việc cho VinFast trong 5 năm, được Rest of World đặt tên là Luân, cho biết người nước ngoài được đưa đến công ty để “nuôi dưỡng và xây dựng đội ngũ kỹ sư Việt Nam”. Người này nói rằng các kỹ sư Việt Nam có nhiệm vụ học hỏi “nhanh nhất có thể” từ những kỹ sư nước ngoài “để bạn có thể tiếp tục khi họ không còn làm việc cho VinFast nữa.”
Ông Luân cho biết ông làm việc nhiều giờ, có khi lên tới 50-60 giờ một tuần và thường xuyên ăn ngủ tại nhà máy.
Các nhân viên cũ cho Rest of World biết họ cũng phải vật lộn với các kế hoạch và mục tiêu luôn thay đổi của công ty. Ông Akshay nói rằng ông đã làm việc với 6 kỹ sư trưởng khác nhau trong 2 năm làm việc tại VinFast.
“Công ty đặt ra một mục tiêu. Nhưng rồi họ cứ thay đổi từng ngày,” ông Akshay nói. “Họ sẽ thay đổi thông số kỹ thuật, họ sẽ thay đổi mục tiêu. Vì vậy không có gì là ổn định.”
Ông Hùng khẳng định với VOA về sự thay đổi thường xuyên các mục tiêu ở VinFast và cho rằng việc này “đặt ra những thách thức đáng kể.”
“Sự thay đổi liên tục này đã tạo ra sự nhầm lẫn và bất ổn, gây khó khăn cho việc thực hiện hiệu quả các chiến lược dài hạn,” ông Hùng nói.
Theo ông Akshay, nhiều kỹ sư Ấn Độ bị thu hút đến Việt Nam với mức lương hấp dẫn. Ông cho Rest of World biết rằng ở Ấn Độ “nếu họ được trả 1.000 USD mỗi tháng thì VinFast sẽ trả cho họ gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba số tiền đó.” Tuy nhiên, theo ông Akshay, không có gì chắc chắn về thời gian làm việc được trả lương cao này có thể kéo dài bao lâu. Ông cho biết các vụ “sa thải” là rất phổ biến trong thời gian ông làm việc tại đây và đưa ra ví dụ một nhân viên công nghệ thông tin bị đuổi việc chỉ vì đến cuộc họp muộn 5 phút.
Các đánh giá về VinFast và môi trường làm việc ở đây trên Glass Door, một trang web của Mỹ nơi các nhân viên đương nhiệm và cựu nhân viên đánh giá ẩn danh về các công ty, cũng cho thấy những nhận xét tương tự.
Một số nhân viên, gồm cả những người đã và đang làm việc tại đây, cho biết trên trang web – nơi có hàng triệu người sử dụng để tìm kiếm thông tin “trực tiếp từ nguồn” trước khi xin việc làm – rằng môi trường làm việc áp lực cao, khó đoán định dù lương cao. Một cựu nhân viên đưa ra đánh giá vào tháng 8 năm nay rằng mặt tốt khi làm việc cho VinFast là "trả lương khá" nhưng mặt trái là "quản lý hỗn loạn" và "tỷ lệ thay người nhanh."
Nói với VOA, ông Hùng cho biết ông cũng có những trải nghiệm tương tự những gì mà các cựu nhân viên khác bày tỏ.
“Môi trường không thể đoán định trước, với cảm giác không ổn định về đảm bảo công việc,” ông Hùng nói và cho rằng điều này “có hại cho tinh thần và hiệu suất của nhân viên.”
‘Đào thải qua sa thải’
Một cựu nhân viên văn phòng làm việc tại VinFast gần hai năm, được đặt tên là Hoa, cho Rest of World biết dù doanh thu cao nhưng công việc của họ không được đảm bảo.
“Chúng tôi nói với nhau rằng môi trường làm việc tại VinFast và Vingoup là môi trường đào thải [thông qua sa thải] và là môi trường đòi hỏi nhân viên phải đa kỹ năng chứ không chỉ giỏi chuyên môn,” bà Hoa nói.
Vingroup, tập đoàn mẹ của VinFast, thường đóng cửa hoặc bán bớt các dự án kinh doanh mới được cho là không hiệu quả ngay khi chúng được thành lập. Được ca ngợi là tập đoàn cung cấp dịch vụ cho người Việt suốt cả một vòng đời – từ khi sinh ra đến khi chết đi, Vingroup đã bán chuỗi siêu thị Vinmart, đóng cửa trang thương mại điện tử Adayroi và nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vinsmart. Năm 2021, VinFast đóng cửa trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Australia, nơi đã tuyển dụng gần 100 nhân viên. Công ty cũng đã rao bán một đường chạy thử ô tô mà họ đã mua với giá hơn 30 triệu đô la Úc (hơn 20 triệu USD) vào năm trước.
Trái ngược với những nhân viên nước ngoài, các cựu nhân viên Việt Nam cho Rest of World biết họ có niềm tự hào dân tộc khi làm việc cho VinFast và cho mục tiêu mà chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đặt ra là xây dựng VinFast thành một trong những hãng xe điện hàng đầu thế giới.
Một cựu nhân viên làm việc trong bộ phận sản xuất xe máy điện của VinFast, có tên Tiến, nói rằng ông “là một người yêu nước” và “muốn thấy một lĩnh vực sản xuất đứng vững” ở Việt Nam.
“VinFast cần bắt kịp với các quốc gia đã có thời gian phát triển sản phẩm của họ,” ông Tiến nói. “(Do đó) thức cả ngày lẫn đêm (để làm việc) là chuyện bình thường.”
Bất chấp những thách thức, gồm áp lực làm việc cao và môi trường căng thẳng cùng sự thay đổi liên tục, ông Hùng cho biết rằng ông đã có được cơ hội phát triển trong thời gian làm việc tại VinFast.
“Việc phải điều chỉnh trong một môi trường thường xuyên biến động đã giúp tôi nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng phục hồi của mình,” ông Hùng nói.
Trong email gửi VOA, đại diện công ty cho biết họ tin rằng “những người chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu của VinFast xứng đáng có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp cùng công ty.”
Việc mở rộng sản xuất cho tham vọng toàn cầu của hãng xe khởi nghiệp Việt Nam vấp phải nhiều khó khăn khi lô hàng ô tô điện đầu tiên, gồm 999 xe, của VinFast xuất sang Mỹ đã bị triệu hồi do “lỗi phần mềm”. Một hồ sơ pháp lý gần đây tiết lộ rằng khoản lỗ ròng của VinFast đã tăng lên 599 triệu USD trong quý đầu tiên của năm nay, theo Rest of World.
Nhưng bất chấp sự hoài nghi từ các nhà quan sát và công chúng, VinFast vẫn tiếp tục với kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ở Mỹ sau vài lần trì hoãn khi đã động thổ ở North Carolina. VinFast cũng đã niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ thông qua một công ty séc khống cho mục tiêu huy động hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên, cổ phiếu của VinFast đã sụt giảm nhanh chóng sau khi tăng hơn 180% khi mới lên sàn hồi giữa tháng trước.
Theo ông Hùng, xây nhà máy và niêm yết tại Mỹ là “chiến lược mở rộng toàn cầu táo bạo” của VinFast. Nhưng ông Hùng cho rằng VinFast cần phải giải quyết các vấn đề về “văn hóa của công ty, chất lượng sản phẩm và chiến lược hoạt động” thì mới có thể “đảm bảo thành công bền cũng tại những thị trường đầy thách thức mới này.”
Vào năm 2016, ông Vượng, cũng là tỷ phú giàu nhất Việt Nam và nắm giữ đến 99% cổ phần của VinFast, nói rằng ông dự đoán một số khó khăn cho công ty và cho rằng “có chỗ chưa hoàn hảo, chưa tốt” nhưng “không sao” vì nếu sai sẽ sửa và “sẽ lớn khôn hơn.”
(* Tên nhân vật đã được thay đổi vì lý do người được phỏng vấn không muốn tiết lộ danh tính)
Diễn đàn